Theo đó, ngày 17/10/2022, Chính phủ có Tờ trình số 420/TTr-CP trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (dự thảo Nghị quyết). Qua tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành văn bản và thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua quy định về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật là một nội dung trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV để kịp thời thể chế hóa quy định của Đảng, bảo đảm đồng bộ, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị ban hành văn bản dưới hình thức Nghị quyết riêng hoặc ban hành một Luật riêng để sửa Điều 80 của Luật Cán bộ, công chức và Điều 53 của Luật Viên chức.
Bộ Nội vụ giải trình như sau: tại Tờ trình số 387/TTr-CP ngày 09/10/2022, Chính phủ đã xây dựng 02 phương án báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (phương án 01 đề nghị đưa nội dung sửa đổi về thời hiệu là một nội dung trong Nghị quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV; phương án 02 đề nghị xây dựng Nghị quyết riêng). Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và để bảo đảm kịp thời thể chế hóa Quy định số 69-QĐ/TW, Bộ Nội vụ đề nghị Quốc hội cho phép thông qua nội dung về thời hiệu xử lý kỷ luật là một nội dung trong Nghị quyết kỳ họp Quốc hội. Trong thời gian tới, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tổng kết, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định có liên quan.
Có ý kiến đề nghị xác định hiệu lực của văn bản ngay trong Nghị quyết. Về việc này, Bộ Nội vụ tiếp thu để phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra xác định thời điểm có hiệu lực áp dụng quy định về thời hiệu trong Nghị quyết, bảo đảm thống nhất trong triển khai thi hành.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ việc áp dụng hồi tố đối với các trường hợp đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính trước ngày Nghị quyết có hiệu lực; đồng thời đánh giá tác động trong trường hợp quy định hồi tố.
Về việc này, Bộ Nội vụ giải trình như sau: Điều 152, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định các trường hợp không quy định hiệu lực trở về trước, trong đó có trường hợp quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn (điểm b khoản 2). Do đó, để bảo đảm nội dung Nghị quyết trình Quốc hội không trái với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị quyết không quy định hiệu lực trở về trước đối với việc áp dụng thời hiệu 5 năm và 10 năm. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo tiếp thu, giải trình đầy đủ về nội dung này trước khi trình Quốc hội thông qua Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị làm rõ cách thức xử lý trong trường hợp một số hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng nhưng theo quy định của pháp luật thì không có hành vi vi phạm tương ứng.
Bộ Nội vụ giải trình như sau: theo Quy định số 102-QĐ/TW trước đây và Quy định số 69-QĐ/TW hiện hành thì có một số hành vi vi phạm mang tính đặc thù, chỉ áp dụng với đảng viên (không có hành vi vi phạm tương ứng đối với cán bộ, công chức, viên chức). Theo đó, tại khoản 10 Điều 2 Quy định số 69-QĐ/TW đã quy định rõ chỉ áp dụng trong trường hợp “nếu có”, cụ thể là: “Đảng viên bị kỷ luật về đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể”. Như vậy, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm mang tính đặc thù chỉ áp dụng đối với đảng viên thì chỉ xem xét xử lý kỷ luật đảng mà không xử lý kỷ luật hành chính.
Có ý kiến đề nghị quy định thời hiệu 10 năm chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật cảnh cáo và buộc thôi việc; các hành vi còn lại áp dụng thời hiệu 05 năm; có ý kiến cho rằng quy định thời hiệu 5 năm và 10 năm như dự thảo Nghị quyết là quá dài.
Về việc này, Bộ Nội vụ giải trình như sau: theo quy định của pháp luật hiện hành, hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo có tính chất nghiêm khắc hơn hình thức xử lý kỷ luật khiển trách và được quy định ngay sau hình thức xử lý kỷ luật khiển trách. Do đó, để bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng thì quy định thời hiệu 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên là phù hợp.
Có ý kiến cho rằng áp dụng quy định thời hiệu 10 năm đối với hình thức xử lý kỷ luật cách chức, bãi nhiệm là không phù hợp vì phụ thuộc vào nhiệm kỳ.
Bộ Nội vụ giải trình như sau: Tại Điều 80 Luật Cán bộ, công chức và Điều 53 Luật Viên chức quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Do đó, quy định về thời hiệu không chịu ảnh hưởng của nhiệm kỳ bầu cử (đối với cán bộ) hoặc của thời hạn bổ nhiệm (đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý). Trường hợp hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn bổ nhiệm mà người có hành vi vi phạm không còn giữ chức vụ, chức danh do bầu cử, bổ nhiệm và hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật cảnh cáo trở lên (áp dụng thời hiệu 10 năm) thì vẫn áp dụng hình thức xử lý kỷ luật tương ứng đối với công chức, viên chức đó là phù hợp.