BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận, trả lời kiến nghị của cử tri

(Moha.gov.vn)-Ngày 25/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến (Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Quy chế này quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các bộ, cơ quan, địa phương) trong việc phối hợp, thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến.

Cũng theo Quy chế, kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến phải được các bộ, cơ quan, địa phương tiếp nhận, giải quyết, trả lời theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình giải quyết.

Việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyến đến là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác của các bộ, cơ quan, địa phương; là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các bộ, cơ quan và chính quyền địa phương.

Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị phải bảo đảm dân chủ, khách quan, đầy đủ, đúng trọng tâm, báo cáo kết quả với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Quy chế quy định rõ trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương trong việc giải quyết, trả lời, báo cáo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Theo quy định, người đứng đầu các bộ, cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đúng quy định của pháp luật và quy định của Quy chế; báo cáo tổng hợp đầy đủ về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan.

Các bộ, cơ quan được giao chủ trì giải quyết, trả lời kiến nghị phải chủ động, thường xuyên phối hợp, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị đã được giao cho cơ quan mình và các cơ quan phối hợp, không để kiến nghị tồn đọng, kéo dài.

Đối với kiến nghị liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của nhiều bộ, cơ quan, địa phương được giao cho một bộ, cơ quan chủ trì nghiên cứu giải quyết, trả lời. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được kiến nghị, bộ, cơ quan được giao chủ trì giải quyết, trả lời phải có văn bản gửi đến bộ, cơ quan, địa phương có liên quan đề nghị phối hợp giải quyết, trả lời kiến nghị.

Các bộ, cơ quan, địa phương được giao phối hợp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì để giải quyết, trả lời cử tri, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị phối hợp của bộ, cơ quan chủ trì, bộ, cơ quan, địa phương được đề nghị phối hợp phải có văn bản trả lời gửi đến bộ, cơ quan chủ trì giải quyết, trả lời cử tri theo đúng quy định của pháp luật và của Quy chế.

Đối với các kiến nghị mà việc giải quyết liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, vượt quá khả năng, điều kiện hoặc có khó khăn, vướng mắc thì bộ, cơ quan được giao chủ trì phải chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị phải có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ (thông qua Văn phòng Chính phủ) để xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Đối với các kiến nghị có nội dung trùng lặp thì bộ, cơ quan tiếp nhận, giải quyết, trả lời và thông báo kết quả giải quyết bằng một văn bản đồng thời gửi đến tất cả Đoàn Đại biểu Quốc hội có kiến nghị trùng lặp và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của địa phương liên quan đến các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính quyền địa phương nhưng vượt quá khả năng hoặc có khó khăn, vướng mắc liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan liên quan phải có văn bản trả lời địa phương hoặc phải có văn bản đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo…

Văn phòng Chính phủ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết, trả lời kiến nghị của các bộ, cơ quan, địa phương; đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã được Thủ tướng Chính phủ giao, Ban Dân nguyện chuyển đến và Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyển trực tiếp đến các cơ quan ở địa phương; giúp Chính phủ xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của kỳ họp Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các quy định tại Quy chế này, các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy chế về việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đối với các đơn vị thuộc bộ, cơ quan, địa phương, đơn vị mình.