Theo đó, Thông tư liên tịch số 02 Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành thư viện. Thông tư này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành thư viện làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Thông tư liên tịch số 02, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện được phân thành 3 hạng, bao gồm:
- Thư viện viên hạng II: Mã số: V.10.02.05
- Thư viện viên hạng III: Mã số: V.10.02.06
- Thư viện viên hạng IV: Mã số: V.10.02.07
Ngoài tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành thư viện, Thông tư liên tịch số 02 cũng quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với từng hạng chức danh ngành thư viện. Cụ thể:
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Đối với thư viện viên hạng II: tốt nghiệp đại học về chuyên ngành thư viện hoặc chuyên ngành khác có liên quan. Nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Thông tư số 01); có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (Thông tư số 03); có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thư viện viên hạng II.
Đối với thư viện viên hạng III: tốt nghiệp đại học về chuyên ngành thư viện hoặc chuyên ngành khác có liên quan. Nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đối với thư viện viên hạng IV: tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng về chuyên ngành thư viện hoặc chuyên ngành khác có liên quan. Nếu tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; có trình độ ngoại ngữ bậc 1 (A1) theo quy định tại Thông tư số 01 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin sơ bản theo quy định tại Thông tư số 03 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về tiêu chuẩn thăng hạng chức danh thư viện viên
Viên chức thăng hạng từ chức danh thư viện viên hạng III lên chức danh thư viện viên hạng II phải có thời gian công tác giữ chức danh thư viện viên hạng III hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 (chín) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh thư viện viên hạng III tối thiểu đủ 02 (hai) năm.
Viên chức thăng hạng từ chức danh thư viện viên hạng IV lên chức danh thư viện viên hạng III phải đáp ứng đầy đủ các khoản 1, 2, 3 Điều này và có thời gian công tác giữ chức danh thư viện viên hạng IV, như sau: (a) Đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, phải có thời gian công tác giữ chức danh thư viện viện hạng IV tối thiểu đủ 02 (hai) năm. (b) Đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp trung cấp, phải có thời gian công tác giữ chức danh thư viện viên hạng IV tối thiểu 03 (ba) năm.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ
Đối với thư viện viên hạng II, ngoài việc nắm vững: đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thư viện và có khả năng vận dụng trong hoạt động phát triển chuyên ngành thư viện; thực tế về hoạt động thư viện, xu thế phát triển lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhận; có kiến thức tổng hợp về các lĩnh vực khác; các ứng dụng của công nghệ thông tin vào lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhận và các kỹ năng tin học khác trong hoạt động chuyên môn được phân công còn phải tham gia ít nhất 01 (một) đề án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp Bộ, hoặc chủ trì 02 (hai) đề án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đã được nghiệm thu với kết quả đạt yêu cầu trở lên.
Đối với thư viện viên hạng III và hạng IV, nắm vững: Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành về công tác thư viện. Biết được các ứng dụng của công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện và các kỹ năng tin học khác trong hoạt động chuyên môn được phân công. Các kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và lĩnh vực chuyên môn được phân công đối với thư viện viên hạng III, nắm được các kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện đối với thư viện viên hạng IV.
Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 02 cũng quy định nhiệm vụ cụ thể đối với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của từng thư viện viên các hạng II, III và IV.
Về nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành thư viện
Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành thư viện phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức và theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này. Khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng II đối với viên chức hiện đang giữ ngạch thư viện viên chính. Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng III đối với viên chức hiện đang giữ ngạch thư viện viên. Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp thưc viện viện hạng IV đối với viên chức hiện đang giữ ngạch thư viện viên trung cấp.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2015.