Một kỳ thi tuyển công chức tại Bộ Nội vụ (Ảnh: moha.gov.vn)
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV ngày 25/11/2019 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (Luật số 52/2019/QH14), trong đó tập trung vào một số vấn đề lớn có liên quan đến nội dung quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Cụ thể:
Không tiếp tục quy định chế độ công chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập (Khoản 2 Điều 4; điểm c Khoản 1 Điều 32); bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập (Khoản 3 Điều 84).
Giao Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng hoạt động công vụ. Căn cứ vào quy định của Chính phủ, người đứng đầu Bộ, ngành quyết định chế độ cụ thể; tại địa phương giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào khung chính sách của Chính phủ quy định đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị do tỉnh quản lý (Điều 6).
Luật hóa quy định việc tiếp nhận viên chức, cán bộ, công chức cấp xã, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm công tác cơ yếu, người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước để thực hiện chủ trương liên thông trong công tác cán bộ (Điều 37).
Quy định nguyên tắc kiểm định chất lượng đầu vào công chức; việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả; giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này (Khoản 2 Điều 39).
Đồng thời, bổ sung quy định xét nâng ngạch đối với công chức (Điều 44).
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành các văn bản quy định về công tác cán bộ. Do vậy, để đồng bộ giữa quy định của Đảng và quy định của pháp luật về công tác cán bộ, trong đó có các nội dung quy định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ khi rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác cán bộ, đáp ứng các yêu cầu đổi mới công tác cán bộ theo tinh thần của Đảng tại các Nghị quyết Trung ương là cần thiết.
Ngoài ra, việc tuyển dụng công chức trong thời gian qua đã được đổi mới từ thi 4 môn thi (kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học) thành 2 vòng thi (vòng 1 là thi điều kiện với 3 nội dung thi kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học; vòng 2 là thi chuyên môn nghiệp vụ), góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng công chức, gắn việc tuyển dụng công chức với người sử dụng công chức và với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Tuy nhiên, quy định hiện hành vẫn chưa được đổi mới về tiêu chuẩn, điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, tuy rằng khi người đăng ký dự tuyển chưa phải nộp chứng chỉ (đăng ký tuyển dụng qua Phiếu đăng ký tuyển dụng) nhưng khi hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng có yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ hoặc đối với thi nâng ngạch công chức cũng vẫn còn quy định điều kiện nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong hồ sơ dự thi.
Hiện nay, trong chương trình đào tạo tại một số cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng chương trình đào tạo có quy định về chuẩn đầu ra ngoại ngữ khi tốt nghiệp mà quy định về chuẩn đầu ra đó lại phù hợp với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ quy định trong tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch công chức chuyên viên. Đồng thời, tại Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV cũng đã yêu cầu rà soát, hoàn thiện các quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, thi, xét, nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm (Khoản 3 Điều 1). Do vậy, việc nghiên cứu để thay đổi quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch nâng ngạch công chức là cần thiết.
Mặt khác, trong thời gian qua, chính sách đặc thù đối với người dân tộc thiểu số được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm, ban hành các văn bản nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên đã có những chính sách ưu tiên trong tuyển dụng nhưng tỷ lệ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tại Công văn số 11230/VPCP-TCCV ngày 10/12/2019 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số khi xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật số 52/2019/QH14. Do vậy, việc nghiên cứu để quy định chính sách ưu tiên trong tuyển dụng đối với người dân tộc thiểu số trong nội dung dự thảo Nghị định, từng bước nâng cao tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan của Nhà nước quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg.
Dự thảo Nghị định xây dựng với mục đích nhằm: quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật số 52/2019/QH14, bảo đảm tiến độ, chất lượng, có hiệu lực thi hành cùng với hiệu lực thi hành của Luật (01/7/2020); bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về công tác cán bộ; kế thừa quy định còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống văn bản quy định trong lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức; Tích hợp các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Thu gọn đầu mối các văn bản quy định trong lĩnh vực cán bộ, công chức, bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện; giảm thiểu quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng, nâng ngạch công chức; cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong tuyển dụng, nâng ngạch; rà soát, bổ sung các quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với công chức lãnh đạo, quản lý để bảo đảm phù hợp với quy định mới của Đảng về công tác cán bộ; quy định chi tiết các chính sách ưu đãi đối với người dân tộc thiểu số.
Anh Cao