Theo đó, việc thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính phải đảm bảo đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; chỉ thành lập tổ chức hành chính mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn.
Việc thành lập, tổ chức lại tổ chức hành chính phải không vượt khung số lượng tổ chức theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc quy định của cấp thẩm quyền.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nghị định quy định, tổ chức hành chính được thành lập khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: Có cơ sở pháp lý; đáp ứng các tiêu chí thành lập theo quy định của pháp luật; có phạm vi, đối tượng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực hoặc lĩnh vực quản lý nội bộ của tổ chức hành chính; có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức hành chính khác; loại hình và quy mô tổ chức hành chính được thành lập phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức và yêu cầu cải cách hành chính nhà nước.
Tổ chức hành chính được tổ chức lại khi có sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, phạm vi, đối tượng quản lý theo quy định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền. Tổ chức hành chính được tổ chức lại khi hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Việc tổ chức lại để hình thành tổ chức hành chính mới cũng phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện thành lập tổ chức hành chính quy định nêu trên.
Tổ chức hành chính được giải thể trong trường hợp tổ chức đó không còn chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2019, thay thế Nghị định số 83/2006/NĐ-CP ngày 17/8/2006 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính nhà nước.
Xem toàn văn Nghị định số 158/2018/NĐ-CP: Tại đây
Anh Cao