BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chính quyền đô thị TP.HCM: Phù hợp với thực tiễn

13/11/2020 09:32

Các đại biểu đều tán thành việc TP.HCM cần tổ chức mô hình chính quyền đô thị và lưu ý một số vấn đề để đảm bảo quyền làm chủ, quyền giám sát của dân.

Ngày 12-11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.HCM. 10 đại biểu (ĐB) đã phát biểu ý kiến và cả 10 ý kiến đều ủng hộ mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM như tờ trình của Chính phủ và mong muốn TP trở thành động lực cho cải cách kinh tế và thể chế.

Chính quyền đô thị TP.HCM: Phù hợp với thực tiễn - ảnh 1
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng, trái) và  Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ sự ủng hộ đối với tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Ảnh: QH

Siêu đô thị thì cần quản lý cách khác

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng: “Câu chuyện TP.HCM không xin kinh phí mà chỉ xin cơ chế cho điều hành, phát triển vốn không mới nhưng rất đáng để chúng ta suy ngẫm”.

Theo ĐB Nhân, dù không nên hiểu đề xuất của TP là xin cho nhưng thử hỏi vì sao việc xin cơ chế lại đến từ TP mà không xuất phát từ yêu cầu cải cách, với trách nhiệm của mình, lẽ ra QH phải chủ động thực hiện?

Ở góc độ lập pháp, ông Nhân cho rằng nghị quyết khi triển khai được cho là góp phần giảm ùn tắc thể chế, khơi thông nguồn lực, tăng công suất cho đầu tàu kinh tế.

ĐB Nhân tiếp: Thật khó để hình dung với một siêu đô thị sôi động bậc nhất cả nước nhưng mô hình chính quyền lại được khoác chiếc áo đồng hạng như một chính quyền nông thôn. Trong khi đó, hàng chục năm nay TP đang có nhu cầu đổi mới để “gánh vác vai trò là động lực, là đầu tàu quan trọng của cả nước”.

Tán thành việc thực hiện CQĐT TP mà không cần thí điểm, ĐB Nhân cho rằng nếu thí điểm thì “chúng ta đã và đang quá lãng phí cơ hội vàng để khai phóng kịp thời các nguồn lực cho quốc gia phát triển”.

Các ĐB khác đều tán thành với vị trí kinh tế - chính trị và yêu cầu của thực tiễn, cải cách là cơ sở để TP.HCM xứng đáng được QH ban hành nghị quyết về tổ chức CQĐT TP.

ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) dẫn ra các số liệu quan trọng về đóng góp GDP, thu ngân sách, vị trí trung tâm liên kết vùng của TP.HCM đối với Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên, cũng như lợi thế về dân số, đào tạo nhân lực chất lượng cao để cho rằng: “Có nhiều cơ hội để tận dụng tối đa những lợi thế của vùng trong phát triển nguồn nhân lực bền vững, đáp ứng khả năng chuyên môn hóa cao, đồng bộ, đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập”.

ĐB Vang còn mong mô hình CQĐT TP sẽ thành công để sớm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, nghị quyết của QH và kỳ vọng của Chính phủ. Bà Vang hy vọng mô hình này sẽ là điểm tựa để trong tương lai không xa, TP Cần Thơ sẽ từng bước tiến tới CQĐT mang tính đặc thù của khu vực ĐBSCL.

Bảo đảm quyền làm chủ của dân

ĐB Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) mong TP khi được QH quyết cho làm CQĐT sẽ quan tâm kết nối hạ tầng giao thông và đô thị với toàn vùng kinh tế phía Nam. Ông Chung đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia cần xem xét, hướng dẫn để HĐND TP.HCM tăng được ĐB chuyên trách, nhằm đảm bảo quyền làm chủ của người dân sau khi TP.HCM không tổ chức HĐND quận, phường.

ĐB Mai Thị Ánh Tuyến (An Giang) nói cần quy định cụ thể hơn giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của HĐND TP, nhất là đại biểu chuyên trách theo hướng tăng cường công tác giám sát, phát huy hiệu quả. Bà còn đề nghị QH cho nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 để có thời gian chuẩn bị ban hành hướng dẫn tổ chức bầu cử ĐB HĐND các cấp tại TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026.

ĐB Phạm Trọng Nhân dẫn ra băn khoăn của một số ĐB về việc nếu không tổ chức HĐND ở một cấp nào đó thì có thể ảnh hưởng tới quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, ông nói nếu khoa học, công nghệ chưa phát triển thì băn khoăn này là có thật. Với tiến trình xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh thì khoa học, công nghệ sẽ ngày càng lan tỏa đến nhiều địa phương khác, tạo điều kiện và củng cố quyền làm chủ của nhân dân.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị quy phạm hóa những vấn đề mà TP cần triển khai để đảm bảo quyền của dân. Đó là tăng trách nhiệm giải trình của chính quyền TP, chính quyền quận và phường, quy định định kỳ người đứng đầu chính quyền ở những nơi không có HĐND phải đối thoại với dân theo nghị quyết của Ban bí thư. Cùng đó là tăng thời lượng, số lượt tiếp xúc cử tri của ĐB HĐND và tăng số ĐB chuyên trách, thậm chí có thể có cả văn phòng của ĐB HĐND TP, văn phòng không chuyên trách để thu thập ý kiến của cử tri. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động giám sát của đoàn ĐBQH và ĐBQH TP.

 “Phải có hình thức phù hợp để trưng cầu dân ý và xin ý kiến nhân dân khi chính sách tác động đến bề mặt rộng liên quan đến địa giới hành chính phường, quận, nhất là thu hồi đất đai” - ĐB Vân nói.

Đã có kinh nghiệm thực tiễn

Đến lượt mình, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) phát biểu như giải tỏa những băn khoăn của các ĐB khác. Bà khẳng định CQĐT TP phù hợp với thực tiễn, lý luận và có cơ sở pháp lý, được lãnh đạo và nhân dân TP quan tâm từ nhiều năm nay.

Nói mình có thời gian “vinh dự làm chủ tịch HĐND TP” trong thời kỳ thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, xã tại TP, ĐB Tâm cho hay: “Đây là một thời kỳ vừa có thuận lợi mà vừa có khó khăn. Song, một ý chí chính trị đặt ra đối với HĐND TP nói riêng và đối với Đảng bộ TP.HCM nói chung là quyết tâm thực hiện thí điểm thành công những khó khăn phải khắc phục, những vấn đề nào vướng mắc đề nghị được tháo gỡ”.

Theo bà Tâm, sau khi tổng kết thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND theo Nghị quyết 26/2008 của QH khóa XII thì những ưu điểm, thành công và mặt hạn chế cũng được bộc lộ. Tuy vậy, vai trò làm chủ của nhân dân đã được thực hiện tốt thông qua nhiều giải pháp.

“Các tổ ĐB và ĐB không phải đến kỳ chuẩn bị họp HĐND mới tiếp xúc cử tri, mà chúng tôi tổ chức tiếp xúc cử tri và tiếp công dân hằng tuần tại địa bàn của quận, huyện. Việc tiếp xúc này chúng tôi có phối hợp với Mặt trận và UBND các quận, huyện và thậm chí là HĐND, ĐB tiếp xúc theo yêu cầu của cử tri. Việc gặp gỡ và tiếp xúc cử tri là thường xuyên” - bà Tâm cho hay.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền làm chủ của dân, công tác giám sát và thiết lập các kênh đối thoại thường xuyên cũng được chú ý thực hiện nhằm kết nối và giữ mối liên hệ với đồng bào, cử tri.

Bà Tâm cũng kiến nghị QH theo thẩm quyền quyết định những vấn đề có thể khác hơn với luật hiện hành. Cụ thể, ĐB Tâm đề nghị theo “phương án tối ưu” mà bà nói theo đuổi từ lâu: Đó là cho HĐND có 19 ĐB chuyên trách, có một chủ tịch, hai phó chủ tịch và các ĐB chuyên trách còn lại ở các ban (trưởng ban và các phó trưởng ban) để đủ quyền đại diện. Còn nếu không được như vậy thì bà Tâm đề nghị QH cố gắng cho TP giữ nguyên số ĐB chuyên trách hiện nay là 16.

“Nhưng tôi nghĩ 19 sẽ tốt hơn” - bà Tâm nói.

Cần quy phạm hóa để xóa “đặc thù”

Đây là lần thứ hai chúng ta ra nghị quyết riêng, phân quyền, phân cấp cho TP.HCM cụ thể hơn. Đây là một chủ trương mà Đảng ta đã khởi xướng từ lâu, cùng với chủ trương tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, là một bước tiến về phân cấp, phân quyền.

Tôi đề nghị Chính phủ và các cơ quan của QH phải tổng kết thực tiễn, đánh giá cho nghiêm cẩn mô hình này. Từ đó, có phân loại các địa phương trong 63 tỉnh, thành để nhóm địa phương có cùng tính chất, có cùng các đặc điểm phân hóa thành các nhóm cụ thể, có chính sách tác động phù hợp để chúng ta tránh tình trạng ban hành những văn bản riêng rẽ mà chúng ta gọi là đặc thù. Vì khi tất cả các địa phương đặc thù thì không còn là đặc thù nữa.

Tiến tới, chúng ta không cần thiết phải ban hành nghị quyết riêng nữa và những vấn đề đấy cần phải tổng kết nhanh để quy phạm hóa nó thành những chương, mục cụ thể trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đấy là câu chuyện căn bản, lâu dài nên phải có tổng kết thực tiễn từ những bài học rút ra qua những lần thí điểm để quy định chính thức bằng pháp luật.

Đại biểuLÊ THANH VÂN

Theo https://plo.vn/
Tìm kiếm