Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nội vụ Việt Nam có Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào Phu-vông Ùn-khăm-sẻn; lãnh đạo Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào và lãnh đạo các đơn vị có liên quan.
Phát biểu tại Buổi tiếp, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào Phu-vông Ùn-khăm-sẻn trân trọng gửi lời cảm ơn, vui mừng được đón tiếp Bộ trưởng và Đoàn công tác; đồng thời, đánh giá cao sự hợp tác giữa Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào và Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam (Học viện), kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Lào tại Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam trong thời gian qua.
Giám đốc Phu-vông Ùn-khăm-sẻn cũng thông tin và giới thiệu đến Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà và Đoàn công tác về tình hình hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào. Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng và làm gián đoạn việc kết nối, tiếp xúc giữa Hai bên.
Giám đốc Phu-vông Ùn-khăm-sẻn mong muốn trong thời gian tới Bộ Nội vụ Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ để nguồn nhân lực của Lào, giảng viên của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam. Về nội dung đào tạo cụ thể sẽ do lãnh đạo Học viện của hai nước trao đổi, thảo luận và thống nhất.
Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà về việc đã tạo điều kiện để các Bí thư của Lào được sang Việt Nam học tập, rút kinh nghiệm trong thời gian qua.
Phát biểu tại Buổi tiếp, thay mặt Đoàn công tác, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trân trọng cảm ơn Giám đốc Phu-vông Ùn-khăm-sẻn, các đồng chí lãnh đạo, giảng viên Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Lào đã dành cho Đoàn công tác của Bộ Nội vụ Việt Nam sự đón tiếp trọng thị và nồng ấm.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thông tin và giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam, theo đó, Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ Việt Nam được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực.
Bộ trưởng điểm lại kết quả hợp tác giữa hai Học viện trong thời gian qua. Cụ thể:
Đối với hoạt động hợp tác trong bồi dưỡng ngắn hạn, mỗi năm, Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam tổ chức từ 1 - 2 lớp bồi dưỡng với khoảng 20 công chức lãnh đạo, quản lý của Lào tham dự. Tính đến năm 2023, đã tổ chức 27 khóa bồi dưỡng về quản lý nhà nước, cải cách hành chính, văn thư lưu trữ, nâng cao năng lực tham mưu, phối hợp và phục vụ... cho 551 lượt lãnh đạo, quản lý và công chức Lào đã được Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam triển khai thực hiện thành công.
Về đào tạo dài hạn, trung bình mỗi năm có khoảng 20 - 30 cử nhân, 10 - 15 học viên thạc sĩ và từ 02 - 04 tiến sĩ của Lào học tại Học viện. Cho đến năm 2023, Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam đã tiếp nhận 635 lưu học sinh, trong đó có 324 sinh viên đại học, 283 học viên cao học và 28 nghiên cứu sinh. Hiện nay, có 112 người, gồm 70 sinh viên đại học và 42 học viên cao học, nghiên cứu sinh đang học tại Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, hai Học viện của hai nước Việt Nam - Lào đã có quan hệ truyền thống tốt đẹp qua trao đổi các đoàn lãnh đạo, cán bộ, giảng viên nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo bồi dưỡng và nghiên cứu về chuyên môn. Phía Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Lào cũng đã mời chuyên gia là các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam sang Lào giảng dạy cho các khóa bồi dưỡng lãnh đạo cao cấp và bồi dưỡng giảng viên.
Để đưa hợp tác đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý và nguồn nhân lực hành chính giữa hai Chính phủ đi vào thực chất, hiệu quả và chiều sâu hơn nữa; trên cơ sở nền móng, kết quả hợp tác đã đạt được, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề xuất hai Học viện của hai nước Việt Nam - Lào tăng cường trao đổi, phát triển quan hệ hợp tác theo hướng: (i) Phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chất lượng cao cho công chức lãnh đạo, quản lý giữa hai bên. (ii) Phối hợp bồi dưỡng giảng viên; chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. (iii) Phối hợp tổ chức các hội thảo, toạ đàm quốc tế về các vấn đề hai bên cùng quan tâm (theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến); ủng hộ nhau trong các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực về hành chính công. (iv) Thực hiện các nghiên cứu chung so sánh về đổi mới và hội nhập của mỗi quốc gia, xu hướng phát triển của hành chính cũng như các vấn đề hai bên cùng quan tâm. (v) Phối hợp thực hiện đánh giá sau đào tạo đối với các sinh viên, học viên Lào sau khi theo học tại Việt Nam.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong rằng, với tình cảm chân thành, thắm thiết, thủy chung, son sắt của hai dân tộc, với sự phối hợp của các đồng chí Bộ Nội vụ Lào, Hai bên cùng thống nhất cao nỗ lực phấn đấu mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt coi trọng hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và phát triển nguồn nhân lực hành chính.