BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Mô hình Văn phòng chung cấp xã

07/08/2013 15:53

Nhằm giảm bớt những phiền hà cho người dân trong giải quyết những sự vụ hằng ngày và cao hơn là nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, huyện Ðác Hà (Kon Tum) có chủ trương sáp nhập văn phòng các cơ quan cấp xã gồm Văn phòng Ðảng ủy, HÐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể của xã thành một Văn phòng chung. Qua gần hai năm thử nghiệm mô hình này. Không chỉ đem lại tiện ích cho người dân mà hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền cũng được nâng lên rõ rệt.


Giao ban triển khai công việc đầu tuần tại Văn phòng chung xã Ðác Hring (huyện Ðác Hà, Kon Tum).
Chánh Văn phòng Huyện ủy Ðác Hà Nguyễn Huy Quốc cho biết: Cấp xã là cấp chính quyền hằng ngày phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân. Văn phòng cấp xã có vai trò quan trọng trong việc ghi chép, tham mưu, lưu trữ các văn bản liên quan đến chủ trương, chính sách.
 
Nhưng, trên thực tế công việc này các xã ở huyện Ðác Hà làm chưa tốt. Nhiều số liệu báo cáo giữa Ðảng ủy và UBND xã vênh nhau, gây khó khăn cho việc tổng hợp tình hình cũng như chỉ đạo điều hành. Tháng 11-2011, huyện Ðác Hà thí điểm mô hình "Một Văn phòng chung nhiều cơ quan", trên cơ sở gộp văn phòng của các đơn vị trên địa bàn xã vào Văn phòng chung. Mô hình đầu tiên ở xã Ðác Hring. Sau một thời gian triển khai có hiệu quả, huyện Ðác Hà nhân rộng mô hình này ở 9/9 xã, thị trấn trong toàn huyện.
 
Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Ðác Hring Nguyễn Văn Ca cho biết: Văn phòng chung đã khắc phục được tình trạng chồng chéo công việc giữa lãnh đạo Ðảng ủy, UBND xã. Ðơn cử như việc tổ chức họp hành, khi chưa có văn phòng chung thì có khi hai khối Ðảng ủy, UBND, hay các đoàn thể xã do không nắm được lịch của nhau nên bị chồng chéo. Giờ công văn, giấy tờ được tập trung về một mối, do Tổ trưởng Văn phòng xử lý theo chức năng nên không xảy ra tình trạng sót việc, trùng việc.
 
Một số người dân trên địa bàn huyện Ðác Hà nhận xét: Chỉ có một văn phòng nên người dân bây giờ rất tiện lợi khi đến liên hệ công việc. Không cần phải chạy tới chạy lui giữa ban này, hội kia. Công việc cũng được xử lý nhanh hơn, đỡ vất vả tốn kém công sức của người dân hơn.
Phó Bí thư Ðảng ủy xã Hà Mòn, huyện Ðác Hà Nguyễn Ngọc Ðại cho biết: "Từ khi thực hiện mô hình Văn phòng chung, lãnh đạo Ðảng ủy xã nắm thông tin đầy đủ hơn, xử lý công việc của lãnh đạo xã cũng kịp thời hơn. Nếu như trước đây công tác lưu trữ rất yếu, gần như bị bỏ trống thì từ khi thực hiện mô hình này đã bước đầu khắc phục được mảng lưu trữ công văn, giấy tờ, số liệu. Văn phòng chung cũng đã giải quyết được tình trạng cán bộ văn phòng nhiều lúc chơi không, nhiều lúc "vắt chân lên cổ" làm không hết việc.
 
Văn phòng chung các xã ở huyện Ðác Hà có cơ cấu từ bốn đến sáu cán bộ. Gồm một trưởng văn phòng (có trình độ đại học) phụ trách chung; một phụ trách văn phòng Ðảng ủy; một văn thư kiêm thủ quỹ và một, hai nhân viên. Ở một số xã như Ðác Hring, Hà Mòn còn phân công đồng chí Phó Bí thư Ðảng ủy xã phụ trách để tăng thêm tính chủ động, hiệu quả cho khối văn phòng. Hằng ngày, công văn, giấy tờ đến xã được văn thư vào sổ theo dõi riêng cho từng khối, sau đó chuyển cho Trưởng Văn phòng xử lý. Liên quan đến khối nào thì chuyển cho lãnh đạo phụ trách khối đó giải quyết. Ðến kỳ giao ban tuần (do Bí thư Ðảng ủy xã chủ trì), văn phòng báo cáo lại công việc tuần qua, công việc gì trong tuần của các khối, ai phụ trách, đã giải quyết như thế nào, tất cả đều được làm rõ.
 
Qua hai năm thực hiện thí điểm Bí thư Huyện ủy Ðác Hà Phạm Ðức Hạnh cho biết: Mô hình Văn phòng chung của huyện Ðác Hà đã được Tỉnh ủy Kon Tum đánh giá là mô hình tốt cần được nhân rộng trong toàn tỉnh. Mô hình đã giúp cho các đồng chí là Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã nắm được tình hình chung của địa phương một cách sát hơn, cụ thể hơn. Văn phòng chung đã tạo cho cấp ủy, chính quyền cấp xã thành một khối thống nhất, không còn tình trạng "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" giữa khối Ðảng, Mặt trận, các đoàn thể và chính quyền... Văn phòng chung cũng đã làm tốt hơn công tác báo cáo, tổng hợp tình hình phục vụ cho việc báo cáo tuần, báo cáo tháng của Ðảng ủy, UBND lên Huyện ủy, UBND huyện một cách đều đặn và có chất lượng, giúp lãnh đạo huyện nắm được tình hình cơ sở sâu sát hơn, có những định hướng, chỉ đạo kịp thời, cụ thể hơn...
 
Khó khăn của mô hình Văn phòng chung hiện nay là một số cán bộ văn phòng chưa quen với công việc cùng lúc phải xử lý các công văn giấy tờ của khối Ðảng và khối Chính quyền nên còn lúng túng trong soạn thảo, xử lý văn bản. Một Văn phòng chung, Tổ trưởng văn phòng phải xử lý rất nhiều việc, phải làm việc cả ngày nhưng lương chỉ được hưởng theo chế độ là 1,0, chỉ hơn một triệu đồng/tháng. Riêng các chức danh văn phòng khác thì hưởng chế độ theo hợp đồng, chưa được một triệu đồng/tháng. Rất thiệt thòi nhưng ngân sách xã thì không có để bù đắp.
 
 

Theo http://www.nhandan.org.vn/
Tìm kiếm