BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chủ trương sáp nhập tỉnh, thành là chuẩn bị cho "tầm nhìn trăm năm"

02/04/2025 09:51

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định chủ trương sáp nhập tỉnh, thành, không tổ chức cấp huyện là một định hướng lớn, mang tầm chiến lược, bước đột phá về thể chế chuẩn bị cho "tầm nhìn trăm năm" phát triển.

Không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa chủ trì gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) vào ngày 29/3.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, "vừa chạy vừa xếp hàng", không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội; không để gián đoạn công việc và mô hình tổ chức mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ.

Dự kiến, hệ thống tổ chức bộ máy hành chính sẽ cơ cấu lại gồm 3 cấp, đó là Trung ương, tỉnh/thành phố và xã/phường.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trong buổi gặp mặt tại thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Cơ cấu tổ chức này hướng tới mục tiêu chính quyền phải chủ động tiếp cận được với người dân, thay vì nhân dân phải tìm đến chính quyền. Từ đó tạo ra không gian phát triển kinh tế - xã hội từng khu vực, từng vùng.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, qua tham khảo trên thế giới, có khoảng 80% các nước có mô hình chính quyền 3 cấp. Trong quá trình tổ chức mô hình 3 cấp sẽ có những vấn đề rất mới trong tư duy, chỉ đạo, thực hiện.

Với mô hình chính quyền 3 cấp sẽ phân rõ vai trò của từng cấp. Ví dụ, ở Trung ương sẽ tập trung các chiến lược quốc gia, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; trong khi đó, cấp tỉnh sẽ triển khai các vấn đề này cụ thể ở địa phương.

Tổng Bí thư nêu ví dụ về thí điểm việc kết thúc hoạt động công an cấp huyện, mọi thủ tục của dân đối với công an như đăng ký hộ khẩu, ô tô, xe máy, căn cước, hộ chiếu... đều làm ở cấp xã, phường, không cần phải lên tỉnh nữa, người dân rất phấn khởi.

Cơ cấu tổ chức chính quyền 3 cấp hướng tới mục tiêu chính quyền phải chủ động tiếp cận được với người dân (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo Tổng Bí thư, mô hình hiện nay tới cấp xã là hình "chóp nón ngược". Bộ máy tổ chức, đoàn thể ở Trung ương thì hoành tráng, đầy đủ, nhưng về tới cấp cơ sở thì không còn. Tổ chức đoàn thể, xã hội cũng gặp tình trạng tương tự.

Trong khi đó cấp xã là cấp quan trọng nhất vì đây là nơi gần dân nhất. Đồng thời là nơi tổ chức triển khai tất cả các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. "Nếu nghị quyết không được triển khai tới chi bộ, nhân dân có lẽ tất cả chỉ là trên giấy", Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, với mô hình 4 cấp như hiện nay, cấp xã/phường chủ yếu giải quyết các công việc hành chính, không được phân cấp, phân quyền để lo về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, mà giao cho huyện, tỉnh lo.

Do vậy những yêu cầu đặt ra ở cấp xã/phường trong mô hình mới rất lớn, sẽ giải quyết được hầu hết các thủ tục của dân.

"Bây giờ chúng ta phải làm ngược lại quy trình. Cán bộ xã ở cơ sở phải nắm bắt được tất cả tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Phải biết được người dân đang mong muốn gì? khó khăn về cái gì? cần giúp đỡ cái gì?. Những nội dung này xã phải giải quyết, chứ làm sao tỉnh đến được", Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của cấp xã/phường trong mô hình mới.

Chuẩn bị cho "tầm nhìn trăm năm"
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, Đà Nẵng có nền kinh tế vẫn thuộc diện quy mô nhỏ so với cả nước và nhiều địa phương khác; chưa có nhiều tập đoàn lớn đầu tư, dù khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được chú trọng nhưng chưa tạo thành động lực thật sự mạnh mẽ.

Theo Tổng Bí thư, vai trò kết nối vùng của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt với tỉnh Quảng Nam và các địa phương miền Trung vẫn chưa được phát huy đầy đủ.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua địa phận Quảng Nam, tạo sự kết nối giữa các địa phương (Ảnh: Hoài Sơn).

Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc nghiên cứu, triển khai các mô hình phát triển mới, kể cả việc điều chỉnh đơn vị hành chính trở thành một yêu cầu cấp thiết, nhằm mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển và bộ máy quản lý cho phù hợp với tầm nhìn dài hạn.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chủ trương sáp nhập tỉnh, thành, không tổ chức cấp huyện là một định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương, đang được triển khai khẩn trương, kiên quyết, dứt khoát trên cơ sở tham vấn rộng rãi, đặt sự đồng thuận làm nền tảng.

Đây là một cuộc cách mạng, bước đột phá về thể chế, chuẩn bị cho "tầm nhìn trăm năm" phát triển đất nước. Mọi cải cách thể chế đều phải vì lợi ích thiết thực và lâu dài của nhân dân.

Việc cải cách bộ máy, sáp nhập địa giới hành chính đợt này tập trung vào những mục tiêu tái định vị không gian phát triển tự nhiên về kinh tế, gắn kết lịch sử, văn hóa và địa lý. Từ đó mở rộng tầm nhìn phát triển, hình thành nên thực thể hành chính, kinh tế có quy mô đủ lớn, năng lực quản trị đủ mạnh, cạnh tranh cao để hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc gia cũng như toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc giảm tầng nấc quản lý, rút ngắn quy trình xử lý công việc để tái phân bổ nguồn lực, tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực ưu tiên.

Nói về việc sắp tới Trung ương và Quốc hội sẽ thảo luận về sáp nhập tỉnh, trong đó có khả năng Quảng Nam sẽ nhập với Đà Nẵng, Tổng Bí thư cho rằng, Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải phát huy tiềm năng và lợi thế vốn có của cả hai địa phương cách mạng kiên cường và tinh thần lao động sáng tạo.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng bắt tay với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tại lễ thông xe cầu Quảng Đà ngày 27/3 (Ảnh: Hoài Sơn).

Tổng Bí thư cũng gợi ý việc xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một Đà Nẵng - Quảng Nam mới cần định vị mình không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung mà còn thể hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển hiện đại.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động và phát huy những tiềm năng, lợi thế, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, đô thị biển hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch di sản chất lượng cao…

Không gian phát triển mới cần xác định rõ vai trò và lợi thế chiến lược riêng, như cực phát triển công nghiệp, logistics (Chu Lai), trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái (Hội An - Mỹ Sơn), khu vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Quy hoạch tổng thể phải đảm bảo phát triển cân bằng, không để xảy ra tình trạng tập trung quá mức vào Đà Nẵng mà lãng quên tiềm năng quý báu của Quảng Nam.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, sáp nhập không chỉ là thay đổi hành chính, mà đó là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.

Nguồn bài viết: https://dantri.com.vn

Tìm kiếm