Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Ngày 10/4, tại Paris (Pháp), Hội đồng chấp hành UNESCO đã thông qua việc ghi danh hồ sơ Sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân (Việt Nam) vào Danh mục Di sản tư liệu thế giới chu kỳ 2024 - 2025, sau hai vòng đánh giá và thẩm định của các chuyên gia trong Ủy ban tư vấn quốc tế Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World-MoW).
Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân bao gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc từ năm 1951 đến 2010, được lưu giữ tương đối đầy đủ và nguyên vẹn dưới nhiều chất liệu khác nhau như bản thảo, tổng phổ, phân phổ, phim, ảnh, file âm thanh, bản in, băng, đĩa, tệp tin số…
Đây cũng là nguồn tài liệu tham khảo cho nghiên cứu văn hóa, xã hội trong bối cảnh hậu thuộc địa và góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam và thế giới. Hiện nay bộ Sưu tập đã được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ Việt Nam và trang web đa ngữ (https://hoangvan.org) cho phép công chúng và học giả có thể tiếp cận một cách dễ dàng.
Bộ Sưu tập là Di sản tư liệu thế giới quý giá được quản lý tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cùng với 02 Bảo vật quốc gia là bộ Sưu tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 – 1946 và Bộ sưu tập phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của Hoạ sĩ Bùi Trang Chước là những tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ quản lý, bảo quản và phát huy giá trị của chúng phục vụ các nhu cầu khác nhau của xã hội, công chúng cũng như đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo đánh giá, Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân phong phú về thể loại và hình thức âm nhạc cùng nội dung sâu sắc, đã đáp ứng được nhiều tiêu chí quan trọng của UNESCO, đặc biệt là ý nghĩa lịch sử và giá trị toàn cầu. Các tác phẩm là minh chứng cho sự thay đổi sâu sắc của xã hội Việt Nam trong giai đoàn từ năm 1951 đến năm 2010, đặc biệt là vai trò của người phụ nữ và các tầng lớp yếu thế.
Đánh giá về kết quả, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Lê Văn, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự nhấn mạnh, Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh không chỉ là vinh dự to lớn đối với cá nhân nhạc sĩ và gia đình, mà còn là sự khẳng định vị thế của nền âm nhạc Việt Nam trong dòng chảy di sản trí tuệ nhân loại. Đây là minh chứng sinh động cho sức sống bền bỉ của âm nhạc Việt Nam, là ký ức sống động về một giai đoạn lịch sử, phản ánh tâm hồn, bản sắc và khát vọng của cả một dân tộc qua từng giai điệu.
Thứ trưởng đề cao vai trò quan trọng của Chương trình Ký ức Thế giới trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử toàn cầu, đồng thời đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng và chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt là những đóng góp tâm huyết từ gia đình Nhạc sĩ Hoàng Vân trong việc lưu giữ và quảng bá bộ sưu tập quý báu này.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hóa (Bộ Ngoại giao) Lê Thị Hồng Vân - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định, Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân được ghi danh là thành công vượt mong đợi, kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng đội ngũ chuyên gia trong nước và quốc tế.
Theo Cục trưởng Lê Thị Hồng Vân, Bộ sưu tập là di sản tư liệu cấp thế giới thứ 4 của Việt Nam và là 01/570 di sản tư liệu thế giới đã được UNESCO ghi danh. Đây cũng là di sản tư liệu đầu tiên về âm nhạc của Việt Nam được ghi danh, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.
Sự ghi danh trên càng có ý nghĩa hơn khi Luật Di sản Văn hóa sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, trong đó lần đầu tiên dành riêng một chương cho di sản tư liệu, thể hiện sự quan tâm ngày càng sâu sắc của Nhà nước, các cơ quan quản lý và toàn xã hội đối với lĩnh vực này.
Theo TS Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP), chuyên gia Ủy ban tư vấn quốc tế Chương trình Ký ức thế giới chia sẻ, việc ghi danh Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân là hồi chuông về việc lưu giữ các tư liệu âm nhạc ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn các tư liệu làm giàu ký ức của quốc gia và thế giới từ các cá nhân, gia đình và từ các nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, ... Đây cũng chính là một trong những mục tiêu của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.
Dự kiến, Lễ đón bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân, Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 2025 nhân dịp kỷ niệm lần sinh nhật thứ 95 của nhạc sĩ tại Hà Nội.
Từ khi nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời vào năm 2018, hai con của nhạc sĩ là Nhạc trưởng Lê Phi Phi và Nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc, TS Lê Y Linh đã chung sức sưu tầm, thống kê, hệ thống hóa, khôi phục tư liệu tạo nên bộ sưu tập cá nhân của nhạc sĩ và đã đề cử cho Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.
Đây là Di sản tư liệu cấp thế giới thứ 4 của Việt Nam cùng với Mộc bản triều Nguyễn (2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám (2011) và Châu bản triều Nguyễn (2017). Cùng với 7 Di sản tư liệu cấp Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hiện Việt Nam đã đạt tới 11 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.