Long Thành (tỉnh Đồng Nai) nâng chất chương trình nông thôn mới

22/12/2020 11:50
  • Print
  • Lượt xem: 1404

Cái tên Long Thành trong vài năm gần đây được nhiều người biết đến, vì gắn với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cùng với việc chạy đua tiến độ của dự án này thì chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Long Thành cũng diễn ra sôi động, với nhiều dự án hạ tầng quan trọng lần lượt được đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trường Tiểu học Long An được xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: HOÀNG BẮC

Ấn tượng trường chuẩn quốc gia

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi xuôi theo quốc lộ 51 để tìm đến hệ thống kênh mương nội đồng A+B. Sau khi vượt qua khoảng 2km đường đất rộng khoảng 8m đang được thi công san gạt để tráng nhựa, cuối cùng “con kênh ta đào” cũng hiện ra. Nổi bật trên màu xanh của những ruộng lúa đang thì con gái là một con kênh thủy lợi thẳng tắp, vuông vức, màu trắng đục đang dẫn nước về các cánh đồng...

Nhưng công trình gây ấn tượng mạnh với chúng tôi chính là Trường Mầm non xã Long An cách đó khoảng 4km. Trường tọa lạc ở ấp 2, trên diện tích 6.339m2 tại khu tái định cư của xã, kinh phí đầu tư 25,56 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ tháng 1/2016, phục vụ nhu cầu học tập của 230 con em công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn xã và các xã lân cận. Trường có 8 phòng học, mỗi phòng học gồm phòng ăn, phòng ngủ, phòng sinh hoạt, phòng vệ sinh và 6 phòng chức năng (phòng làm việc của ban giám hiệu, giáo viên, phòng y tế, thư viện và khu bếp ăn rộng khoảng 80m2 có khu vực chế biến, kho chứa thực phẩm riêng). Từ tháng 12/2016, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Cô Nguyễn Thị Nghĩa, Hiệu trưởng trường, vui vẻ cho biết: Nếu tính cả điểm trường phụ thì trường đang nuôi dạy 280 cháu, trong đó 70% là con em địa phương. Từ khi trường đi vào hoạt động, chất lượng nuôi dạy đã được nâng lên rõ rệt, 100% trẻ được khám sức khỏe và theo dõi biểu đồ tăng trưởng; 99,6% trẻ có cân nặng, chiều cao phát triển bình thường; 100% trẻ ăn học bán trú tại trường. Năm học vừa qua, trường vinh dự có 5 cô giáo được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Hướng đến nông thôn mới nâng cao

Theo ông Võ Đình Việt, Trưởng ban Quản lý dự án huyện Long Thành, trong 4 năm qua (từ 2015 - 2019), chỉ tính riêng con số các dự án được triển khai trên địa bàn 4 xã Long An, Long Phước, Bình An và An Phước đã có 20 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 237,34 tỷ đồng. Tập trung nhiều nhất ở xã Long An với 9 dự án, gồm: 4 công trình đường giao thông, 3 công trình trường học trụ sở xã đội, kênh mương A với tổng kinh phí đầu tư 81,89 tỷ đồng; trong đó, 2 xã Bình An và Long An đang chuẩn bị trình hồ sơ công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Hiện xã Long An đã đạt 17/19 tiêu chí, riêng 2 tiêu chí số 5 về trường học chỉ chờ bàn giao công trình Trường Tiểu học Long An, kiện toàn chức danh hiệu trưởng và tiêu chí số 17 về môi trường chỉ còn chờ văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá khắc phục các tồn tại về môi trường, là có thể trình hồ sơ lên tỉnh đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ngay trong năm 2020. Xã Bình An cũng đang chờ hoàn thiện tiêu chí trường học: Công nhận Trường THCS Bình An đạt chuẩn quốc gia, bổ sung nhân sự hiệu phó và xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, đưa vào sử dụng ở Trường Mầm non Bình An.

Cùng với việc hoàn thiện hồ sơ công nhận 2 xã trên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Phòng Kinh tế với tư cách là đơn vị giữ vai trò điều phối chương trình nông thôn mới của huyện, đang chỉ đạo 4 xã Cẩm Đường, Bình Sơn, Phước Thái và Bàu Cạn tích cực vận động nhân dân duy trì, triển khai thêm các tuyến đường sáng, xanh sạch, đẹp; tập trung ở trục đường chính các khu dân cư, trường học, nhà văn hóa, trụ sở xã đội, công an xã, trạm y tế để phục vụ công tác tái kiểm tra của huyện, tỉnh nhằm giữ vững, nâng chất nông thôn mới sau 5 năm được công nhận.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện, chỉ tính trong 5 năm 2015 - 2020, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình nông thôn mới lên đến hơn 1.807 tỷ đồng, trong đó nguồn huy động xã hội trong dân và doanh nghiệp là 34,62 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của tỉnh và huyện. Nhờ đó, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Nguồn: sggp.org.vn