Giám đốc Hợp tác xã Lý Tà Dèn với cây dược liệu củ dòm
Những năm qua, tỉnh Hà Giang có chủ trương phát triển dược liệu nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên khí hậu địa phương, thành lập các hợp tác xã sản xuất dược liệu làm vệ tinh cho doanh nghiệp, đồng thời là cầu nối giữa doanh nghiệp với người dân. Với ý tưởng ban đầu là trồng và thu hái bền vững các loại dược liệu sẵn có trong tự nhiên để chế biến thành các sản phẩm phục vụ du khách đến thăm Cao nguyên đá Đồng Văn, cùng với sự hỗ trợ, tư vấn của huyện và Công ty cổ phần Dược Khoa (DK Pharma), anh Lý Tà Dèn cùng một số thành viên đã quyết định thành lập Hợp tác Cộng đồng xã Nặm Đăm theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Những năm đầu hoạt động, Hợp tác xã Nặm Đăm thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong khâu thu hái, chế biến và tiêu thụ. Nhiều khi sản phẩm làm ra bán không hết, không có đầu ra tiêu thụ. Hơn nữa, bà còn ở đây thấy lợi thì mới làm, nên với điều kiện khó khăn như thế, chỉ nửa năm sau bà con thành viên dần xin rút hết, chỉ còn vỏn vẹn 7 người. Đã có lúc tưởng như Hợp tác xã Nặm Đăm phải đóng cửa.
Thế nhưng, với nguồn dược liệu quý và khao khát tận dụng lợi thế của núi rừng để cải thiện đời sống của bà con vùng cao đã khiến anh và những thành viên còn lại quyết tâm theo đuổi. Bài toán đầu tiên phải giải là cần có công nghệ sản xuất cũng như tìm được đầu ra cho sản phẩm. Trong giai đoạn đó, anh và con con thành viên đã nỗ lực đổi mới cách nghĩ, cách làm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã cùng vào cuộc hỗ trợ kết nối với các công ty dược để hoàn thiện công nghệ sản xuất và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Để đảm bảo nguồn cung dược liệu và bảo tồn được những loài dược liệu quý bản địa, năm 2016, Hợp tác xã Nặm Đăm đã kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền Việt Nam triển khai dự án “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý của người Dao”. Hợp tác xã Nặm Đăm đã mở rộng diện tích vườn ươm lên tới 3.00m2, lưu giữ hơn 100 loài dược liệu quý như: Củ dòm, Atiso, kim ngân, đương quy đỏ… Vườn ươm không những đảm bảo đủ cung ứng giống cho Hợp tác xã Nặm Đăm và bà con địa phương, mà còn được Hợp tác xã Nặm Đăm khuyến khích thành viên phát triển cây dược liệu trên nương, ruộng, vườn của chính gia đình mình theo đúng kỹ thuật và bán lại sản phẩm cho Hợp tác xã Nặm Đăm.
Có được nguồn nguyên liệu ổn định, Hợp tác xã Nặm Đăm đã đầu tư xây dựng khu sấy, nhà xưởng chế biến, hệ thống máy móc chưng cất tinh dầu, nấu cao thảo dược để cho ra thị trường những sản phẩm hoàn chỉnh, tiện lợi cho người tiêu dùng. Hợp tác xã đã xây dựng được nhà tắm lá thuốc, hệ thống nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu, diện tích trên 4.000m2 để sản xuất thực phẩm chức năng, đầu tư máy móc thiết bị, nồi chiết suất bằng hơi công suất 1,5 tấn nguyên liệu/ngày… Tổng kinh phí đầu tư trên 2 tỷ đồng.
Từng bước vực dậy, đến nay Hợp tác xã Nặm Đăm có 23 hộ đăng ký làm thành viên, hộ góp ít đất thì vài trăm nghìn mét vuông, hộ nhiều thì góp cả héc ta để trồng dược liệu. Trên cơ sở đóng góp của các thành viên, các doanh nghiệp se tư vấn hỗ trợ về mặt giống, kỹ thuật đảm bảo dược liệu cho năng suất và chất lượng cao nhất. Sau khi thu hoạch, nguyên liệu thô sẽ được Hợp tác xã Nặm Đăm đứng ra thu mua, sau đó đưa vào chế biến.
Sau hơn 5 năm hoạt động, dù gặp không ít khó khăn nhưng với sự nỗ lực của Hợp tác xã Nặm Đăm, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tư vấn, giúp đỡ của các doanh nghiệp, đến nay, Hợp tác xã Nặm Đăm đã tạo được thương hiệu về sản phẩm, các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng khá ổn định và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Hợp tác xã Nặm Đăm đã đầu tư xây dựng được các hệ thống cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện, doanh thu từ các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến dược liệu ngày càng tăng và đặc biệt các sản phẩm của Hợp tác xã Nặm Đăm ngày càng có nhiều khách hàng tin dùng. Nhờ có dự án này mà Hợp tác xã Nặm Đăm đã khắc phục nguy cơ tuyệt chủng của một số cây dược liệu trong tự nhiên do nạn khai thác triệt để, thu mua ồ ạt với khối lượng lớn, liên tục trong nhiều năm trước đây.
Mỗi năm, Hợp tác xã Nặm Đăm triển khai trồng từ 5 - 10ha cây dược liệu, như: Đương quy, atiso, huyền sâm, kim ngân hoa, của hoàng tinh, củ dòm và một số loại cây khác trong bài thuốc cổ truyền của người Dao… sơ chế, chế biến được hơn 200 tấn nguyên liệu thô, trong đó: 100 tấn nguyên liệu từ trồng cây atiso, đương quy, 100 tấn nguyên liệu thu hái dược liệu tự nhiên. Đã sản xuất được một số sản phẩm, như: Cao atiso, cao củ dòm, cao mạnh gân hoạt cốt, cao ích não, trà gừng, dầu xoa bóp nặm đăm, cao hà thủ ô, thuốc sâu răng, xoang mũi, nước tắm thảo dược, sản phẩm ngâm chân thảo dược, tinh dầu re rừng, tinh dầu mang tang…
Trong đó, có 2 sản phẩm đạt 3 sao OCOP năm 2019 là cao atiso và trà gừng cao nguyên đá.
Bên cạnh đó, anh Lý Tà Dèn còn cùng Hợp tác xã Nặm Đăm kết hợp triển khai xây dựng và phát triển Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn Nặm Đăm. Sau hơn 7 năm triển khai xây dựng thôn văn hóa du lịch tiêu biểu, thôn Nặm Đăm đã nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa cũ làm nơi đón khách, 100% các hộ gia đình luôn làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, trong thôn chỉ còn một hộ nghèo, chiếm 5,8%, thu nhập bình quân của các hộ gia đình đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn có 19 hộ gia đình đủ điều kiện phục vụ trên 190 khách du lịch/ngày đêm.
Từ sự nỗ lực hết mình của các thành viên trong Hợp tác xã Nặm Đăm, doanh thu từ các hoạt động của Hợp tác xã tăng lên rõ rệt qua các năm: Năm 2015 hợp tác xã đạt hơn 400 triệu đồng; năm 2016 đạt 670 triệu đồng; năm 2017 đạt 1 tỷ đồng; năm 2018 đạt 1,5 tỷ đồng; năm 2019 đạt 1,7 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2020 đạt doanh thu là 398 triệu đồng. Lợi nhuận sau thuế ước đạt trên 20% (tổng doanh thu các năm). Tạo việc làm liên tục cho 12 lao động theo mùa vụ và cho 18 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Phát huy những kết quả đạt được qua các năm, trong giai đoạn tiếp theo, Hợp tác xã Nặm Đăm tiếp tục đầu tư mở rộng vùng trồng dược liệu, mở rộng quy mô sản xuất và tìm kiếm đối tác ký hợ đồng thuê gia công sản phẩm thực phẩm chức năng có tác dụng tốt cho sức khỏe, phấn đấu 2 sản phẩm được công nhận thực phẩm chức năng vào năm 2021; phấn đấu mở rộng diện tích vùng trồng từ 10ha lên 30ha và tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động địa phương trong năm 2021; tiếp tục tập huấn cho nhân viên các nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường; tăng doanh thu từ 1,7 tỷ đồng lên 2,5 tỷ đồng năm 2020; 3 tỷ đồng năm 2021.
Để Hợp tác xã Nặm Đăm đạt được những kết quả cao nhất trong giai đoạn tới, anh Dèn mong huyện Quản Bạ và tỉnh Hà Giang tiếp tục có những cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển, đặc biệt là giảm bớt các thủ tục hành chính, ưu đãi thuế và tạo điều kiện về vốn…; đề nghị tỉnh tiếp tục ban hành các Nghị quyết hỗ trợ các hợp tác xã về vốn, mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh sản phẩm cho nhân viên các hợp tác xã, ban hành các cơ chế hỗ trợ trồng cây dược liệu… Đề xuất huyện, tỉnh mở các gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm cho các hợp tác xã ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… nhằm tiếp cận với nhiều đối tác mua hàng lớn hơn, phát triển đầu ra cho sản phẩm của các hợp tác xã.
Với những thành tích đạt được, trong những năm qua, anh Lý Tà Dèn và Hợp tác xã Nặm Đăm đã nhận được Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiều giấy khen của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức khác.
Từ những mô hình điển hình kinh tế hợp tác xã tiêu biểu như mô hình Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm, Nhân dân trên vùng cao nguyên núi đá đã vượt qua vôn vàn khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình và góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Anh Cao (Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X)