Để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra cần phải làm gì? VietNamNet có cuộc phỏng vấn PGS. TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore về vấn đề này.
Theo PGS. TS. Vũ Minh Khương, hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển thuộc nhóm các nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần làm nên những chiến thắng có tầm vóc “Điện Biên Phủ” trong hai thập kỷ tới, đặc biệt là giai đoạn từ nay đến 2030 khi chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng.
Ông cho rằng, xây dựng “bộ máy công quyền ưu tú” sẽ là một trận "Điện Biên Phủ" đầu tiên mà cả hệ thống chính trị và thế hệ người Việt Nam hôm nay dốc toàn lực để giành chiến thắng và làm nên kỳ tích vẻ vang.
Thưa PGS.TS. Vũ Minh Khương, tại sao ông cho rằng xây dựng “bộ máy công quyền ưu tú” là một trận "Điện Biên Phủ" mà thế hệ Việt Nam hôm nay phải làm nên kỳ tích chiến thắng trong công cuộc đưa dân tộc đến phồn vinh?
Sự nghiệp đổi mới gần 4 thập kỷ qua đã đem lại cho Việt Nam không chỉ nguồn lực và vị thế to lớn chưa từng có, mà cả thế chủ động trên các mặt trận trọng yếu của công cuộc phát triển. Việt Nam đang đứng trước cơ hội vô giá để làm nên kỳ tích phát triển trong 2-3 thập kỷ tới để trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển vào năm 2045 khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập.
Thế nhưng, Việt Nam sẽ không thể làm nên kỳ tích phát triển này nếu không xây dựng được một bộ máy công quyền ưu tú. Đây là một thách thức vô cùng lớn rất khó vượt qua. Đó cũng là nguyên nhân chính làm cho hầu hết các quốc gia đang phát triển mắc kẹt vào bẫy thu nhập trung bình sau khi đã có những giai đoạn tăng trưởng ấn tượng khởi đầu.
Với Việt Nam, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú được coi là một trận Điện Biên Phủ vì tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của nó.
Thứ nhất, đây là một nỗ lực đột phá có tính quyết chiến chiến lược. Thành công trong nỗ lực này sẽ mở ra một cục diện phát triển mới vô cùng thuận lợi, có thể gọi là “thế chẻ tre” cho công cuộc phát triển nước ta.
Khi đó, nền kinh tế nước ta mới thực sự bước vào giai đoạn cất cánh với những bước tiến vũ bão cả về thế và lực mà trước đó ít ai có thể hình dung hết được.
Thứ hai, nỗ lực này là biểu tượng về khả năng huy động sức mạnh tổng hợp vô song của dân tộc Việt Nam khi đất nước phải vượt qua những thách thức sống còn để đi đến khát vọng ngàn đời của mình.
Đó là sức mạnh có được từ ý chí “trên dưới một lòng, muôn người như một”, “gươm mài đá, đá núi cũng mòn; voi uống nước, nước sông phải cạn”, và tinh thần hy sinh vì nước vô bờ bến mà lớp lớp thế hệ cha anh đã truyền lại.
Thứ ba, nỗ lực này, nếu thành công sẽ là minh chứng khả năng làm nên kỳ tích của dân tộc Việt Nam như chúng ta đã có với chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là, Việt Nam có thể làm nên điều phi thường từ những người bình thường cho dù hoàn cảnh có nghiệt ngã đến mức nào.
Hình tượng người Việt Nam gầy còm, còng lưng kéo xe tay, với hàng triệu người chịu cảnh chết đói, đã nhất tề đứng dậy và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh bại một trong những đội quân thiện chiến nhất là điều kinh ngạc mà thế giới cho đến nay vẫn còn ngưỡng mộ.
Xin ông cho biết những đặc điểm chính của một bộ máy công quyền ưu tú?
Từ quan sát của tôi, bộ máy công quyền ưu tú có bảy đặc trưng lớn.
Thứ nhất, nó có tầm nhìn sáng rõ và thôi thúc về tương lai. Nó nhận sứ mệnh đưa đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đi nhanh tới đích phồn vinh trong khoảng thời gian 2-3 thập kỷ.
Thứ hai, nó có một chiến lược hành động hiệu lực, làm nền tảng giúp công cuộc phát triển phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của xu thế thời đại và năng lực cốt lõi của dân tộc. Chiến lược không chỉ chú ý nắm bắt thời cơ và khai thác thế mạnh sẵn có, mà quan trọng hơn, nó đặc biệt coi trọng biến thách thức thành cơ hội và điểm yếu thành lợi thế đặc sắc.
Thứ ba, nó có cấu trúc tổ chức theo mô hình “chính phủ tổng lực”, với phân định trách nhiệm rõ ràng và quy chế ra quyết định sắc bén. Đặc biệt, bộ máy công quyền khai thác và phát huy tối đa cơ chế thị trường để tăng hiệu lực và hiệu quả hoạt động của mình.
Thứ tư, cán bộ được tưởng thưởng xứng đáng dựa trên đóng góp cụ thể, nỗ lực hiến dâng, và tinh thần đồng đội. Trong đặc trưng này, bộ máy công quyền ưu tú đánh giá cán bộ sâu sắc, khoa học, và chân thành.
Nó giúp từng cán bộ có sự động viên hỗ trợ tối đa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và thấy rõ hướng vươn lên. Nó cũng giúp nhiều cán bộ (thường là giúp 5-10%) nhận ra những hạn chế cần nỗ lực đặc biệt vượt qua hoặc nên tự nguyện chuyển ra ngoài để tìm cơ hội phù hợp hơn. Thực hiện ba lớp phòng vệ để bảo vệ cán bộ.
Thứ năm, cả bộ máy và từng cán bộ, dù ở Trung ương hay địa phương đều chất chứa tinh thần thôi thúc học hỏi, thử nghiệm đổi mới, và vươn lên không ngừng. Họ thấu hiểu rằng mỗi cố gắng đóng góp của họ là một điểm chạm đến trái tim của người dân. Họ trăn trở từng ngày khi đất nước còn nghèo, người dân còn khổ.
Thứ sáu, bộ máy công quyền ưu tú đặc biệt coi trọng bảo vệ cán bộ bằng thiết lập hệ thống ba tuyến phòng vệ.
Tuyến phòng vệ thứ nhất là hệ thống quy chế mà mọi cán bộ đều phải quán triệt kỹ càng và hiểu rõ những điều mà không thể vi phạm.
Tuyến phòng vệ thứ 2 là cơ chế can thiệp nhanh khi phát hiện nguy cơ vi phạm. Nó giống như đội cứu hộ ở bãi biển, đã quy định rõ nhưng vẫn có người vi phạm và có thể bị đuối nước nên cần có theo dõi thường xuyên chặt chẽ việc tuân thủ các quy định và có ứng cứu kịp thời khi có sự cố.
Tuyến phòng vệ thứ ba là quy trình rà soát, kiểm tra, đánh giá hàng năm. Nó giúp không ngừng hoàn thiện hệ thống quy chế cho phù hợp với đổi thay và tăng tối đa khả năng tuân thủ để bảo vệ cán bộ.
Thứ bảy, bộ máy công quyền ưu tú đặc biệt gắn kết chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp và chuyên gia. Nó chủ động tạo nên một hệ sinh thái sống động, có khả năng huy động nguồn lực lớn từ sức mạnh tổng hợp để giải quyết các bài toán khó khăn nhất mà công cuộc phát triển đặt ra.
Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú như vậy đòi hỏi những nỗ lực phi thường. Vậy đâu là khâu then chốt mà Việt Nam cần tập trung nghiên cứu giải quyết khi bắt tay vào công cuộc cải cách này?
Có ba điểm then chốt.
Thứ nhất, chúng ta phải coi xây dựng bộ máy công quyền ưu tú là nỗ lực “chữa bệnh hiểm nghèo” chứ không phải chỉ là cố gắng tập thể dục để có thêm sức khỏe. Bài học đau xót từ tổn thất trong các vụ án vừa qua, đặc biệt là chuyến bay giải cứu và Việt Á, cho thấy đất nước có thể phải chịu những tổn hại khủng khiếp không thể hình dung được nếu không thấy hết tầm quan trọng sống còn của nỗ lực xây dựng bộ máy công quyền ưu tú.
Thứ hai, chúng ta phải bắt tay ngay vào xây dựng một chiến lược sâu sắc với tầm nhìn xa cho nỗ lực xây dựng bộ máy công quyền ưu tú. Chiến lược này không chỉ là tổng hợp ý chí phát triển của cả hệ thống chính trị và ý kiến đóng góp tâm huyết của toàn dân, mà còn là kết tinh trí tuệ thời đại và kinh nghiệm quý báu của các quốc gia đã thành công trong nỗ lực này.
Thứ ba, chúng ta cần kịp thời tổng kết và đánh giá sâu sắc kết quả của các nỗ lực chống tham nhũng và đổi mới cơ chế quản lý trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, hệ thống chính trị và toàn dân có hiểu biết thấu đáo hơn những bước đi cụ thể và cấp bách cần làm ngay để công cuộc xây dựng bộ máy công quyền ưu tú có thể đem lại những tiến bộ thiết thực, ngay từ bước đi đầu tiên.
Theo ông, kinh nghiệm nào của Singapore trong xây dựng bộ máy công quyền ưu tú mà Việt Nam có thể tham khảo, áp dụng?
Có năm bài học lớn.
Thứ nhất, Singapore coi lòng tin của người dân, doanh nghiệp, và cộng đồng quốc tế là trụ cột trọng yếu của công cuộc phát triển. Để gia cường trụ cột này, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú là vấn đề sống còn không chỉ của hệ thống chính trị mà cả công cuộc phát triển của đất nước.
Singapore hiểu rằng họ không được thừa hưởng lòng tin của dân từ di sản quá khứ nên đã biến điểm hạn chế này thành quyết tâm đặc biệt trong nỗ lực xây dựng bộ máy công quyền ưu tú.
Thứ hai, Singapore đặc biệt coi trọng hoạch định chiến lược cho mọi nỗ lực phát triển, trong đó có xây dựng bộ máy công quyền ưu tú. Chiến lược này giúp Singapore luôn đứng ở hàng đầu trong dòng chảy thời đại và có khả năng khai thác tối đa xu thế toàn cầu và sức mạnh thời đại. Chiến lược này cũng giúp Singapore biến thách thức thành cơ hội, điểm yếu thành lợi thế đặc biệt, không ngừng thích ứng với đổi thay và mạnh lên sau mỗi biến động khủng hoảng khu vực hay toàn cầu.
Thứ ba, Singapore đặc biệt coi trọng thiết kế cấu trúc của bộ máy công quyền để không chỉ tăng động lực thôi thúc hành động của từng cá nhân mà cả sức mạnh tổng lực của toàn hệ thống. Mô hình “Chính phủ tổng lực” và phương thức đánh giá cán bộ theo kết quả của Singapore được nhiều nước tham khảo học hỏi.
Thứ tư, Singapore giành ưu tiên hàng đầu cho tuyển dụng cán bộ giỏi và bổ nhiệm người ưu tú, xứng tầm, cho các vị trí then chốt. Những người đứng đầu mỗi cơ quan có quyền chủ động và trách nhiệm rất lớn, giống như cầu thủ trên sân bóng. Họ không phải xin ý kiến chỉ đạo khi chuyền bóng hay sút vào gôn đối phương.
Thứ năm, Singapore coi tinh hoa thời đại và kinh nghiệm quốc tế là kho báu vô giá để tham khảo trong nỗ lực xây dựng bộ máy công quyền ưu tú. Từ thiết kế tổ chức đến hoạch định chiến lược phát triển các lĩnh vực cụ thể như giáo dục, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, và biến Singapore thành trung tâm tài chính quốc tế. Singapore đều tham khảo tối đa các nguồn tư vấn quốc tế trước khi đưa ra quyết sách của mình.
Ông có thể đưa ra một vài đề xuất bước đầu mà Việt Nam nên sớm xem xét trong nỗ lực xây dựng bộ máy công quyền ưu tú?
Thứ nhất, tôi mong Đảng, Quốc hội, và Chính phủ có ngay lịch trình bàn chiến lược xây dựng bộ máy công quyền ưu tú. Coi đây là ưu tiên quyết chiến chiến lược mà cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân phải vào cuộc.
Thứ hai, tôi mong có những chuyển biến đơn giản nhưng có ý nghĩa rất lớn cả về nâng cao hiệu lực của bộ máy và truyền tải thông điệp tích cực đến doanh nghiệp và người dân.
Chẳng hạn, theo cách thức hiện nay, mỗi vấn đề chính sách hay dự án dự kiến triển khai đều phải gửi văn bản xin ý kiến các bộ ngành với thủ tục rườm rà và thời gian thường bị bê trễ kéo dài. Nên chăng, ta tham khảo kinh nghiệm quốc tế, họp trực tuyến cho những vấn đề phát sinh hàng tuần, ghi băng lại ý kiến của các cá nhân chịu trách nhiệm cho từng ngành, và đưa ra quyết định ngay nếu có thể. Nếu chưa quyết định ngay được thì cũng nêu rõ lý do để các bên liên quan kịp chỉnh sửa trong cuộc họp tuần sau.
Một điểm nhấn đặc biệt quan trọng là Ban Tổ chức Trung ương và Văn phòng Chính phủ, cùng các chuyên gia được mời, sẽ định kỳ xem lại băng của các cuộc họp này để giúp đánh giá trình độ và trách nhiệm của các cán bộ đại diện bộ ngành và đưa ra ý kiến góp ý nhằm tăng cường hiệu năng hoạt động của Chính phủ.
Trước mắt, tôi đề nghị các nội dung đề xuất của TP.HCM (trên tinh thần Nghị Quyết 98) và Thủ đô Hà Nội nên được hưởng cơ chế đặc biệt này.
Thứ ba, cho phép TP.HCM thí điểm sâu sắc và toàn diện nỗ lực xây dựng bộ máy công quyền ưu tú trong phạm vi thành phố.