BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội trong giám sát cán bộ và công tác cán bộ

21/12/2022 15:31

Giám sát cán bộ và công tác cán bộ được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, cần tiếp tục phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội trong việc giám sát cán bộ và công tác cán bộ.

Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Vai trò của Quốc hội trong giám sát công tác cán bộ

Quá trình phát triển qua từng giai đoạn lịch sử cách mạng cho thấy vai trò rất quan trọng của Quốc hội đã được xác định từ Hiến pháp năm 1992. Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa X (năm 1997-2002), bắt đầu có đại biểu Quốc hội chuyên trách. Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2001 lần đầu tiên xác định Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời quy định trong Hiến pháp về quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội lần đầu tiên được ban hành năm 2003, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong việc Quốc hội thực hiện chức năng giám sát tối cao. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục đề cao vai trò của Quốc hội thông qua quy định về kiểm soát quyền lực. Đánh giá tổng thể quy định của pháp luật về kiểm soát quyền lực hiện nay cho thấy, đặc điểm, vai trò của Quốc hội trong kiểm soát quyền lực với cơ quan hành pháp và tư pháp được thể hiện rõ nét nhất (thông qua hoạt động giám sát), tuy nhiên theo chiều ngược lại, sự kiểm soát của cơ quan hành pháp, tư pháp với cơ quan lập pháp còn chưa rõ ràng. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc tổ chức nhà nước, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội thành lập Chính phủ, bầu, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước.

Đối với thẩm quyền về công tác cán bộ, Hiến pháp năm 2013 trao cho Quốc hội quyền quyết định về cán bộ cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể, Quốc hội có quyền bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, chất vấn, giám sát hoạt động của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Hình thức giám sát của Quốc hội

Để Quốc hội thực hiện quyền giám sát về công tác cán bộ, bao gồm các quy trình, từ bầu cử, phê chuẩn tới đánh giá cán bộ, Hiến pháp và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 trao cho Quốc hội nhiều nhiệm vụ quan trọng, như:

Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm: Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá và xếp loại cán bộ.

Xem xét việc chất vấn và trả lời chất vấn: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân giải thích chất vấn là việc đại biểu Quốc hội nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được lựa chọn để yêu cầu người được chất vấn phải trả lời.

Hoạt động giải trình: đối tượng giải trình được quy định mở hơn đối tượng bị chất vấn. Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Xem xét báo cáo công tác: Quốc hội có quyền và định kỳ hàng năm tiến hành xem xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, cơ quan khác do Quốc hội thành lập và các báo cáo khác.

Đoàn giám sát: Quốc hội có thể thành lập đoàn giám sát về việc thực hiện công tác cán bộ. Với tư cách cá nhân, đại biểu Quốc hội trực tiếp tiến hành giám sát hoặc tham gia chung vào hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã đánh giá: “Công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, việc thực hiện một số nội dung còn hình thức. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu… Quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa đảm bảo phương châm “động” và “mở”(1). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạnh”(2). Đồng thời đưa ra giải pháp thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

Thực tiễn cho thấy, quyền lực trong công tác cán bộ ở nước ta nhìn chung chưa được kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ. Ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện một số nghị quyết còn chậm, chưa quyết liệt, hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được tối ưu hóa, làm cho quyền lực dễ bị lợi dụng, tình trạng “chạy chức, chạy quyền” có cơ hội nảy sinh và diễn biến phức tạp. Tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Công tác kiểm tra, giám sát chưa có giải pháp hữu hiệu để kịp thời giải quyết triệt để những tiêu cực trong công tác cán bộ; một số chế tài xử lý khi có hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ còn thiếu cụ thể và mạnh mẽ, nên chưa phát huy tác dụng ngăn chặn, răn đe(3).

Đại biểu Quốc hội giám sát cán bộ và công tác cán bộ

Thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, đi vào thực chất, hiệu quả và hiệu lực hơn. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện hiệu quả, thảo luận kỹ lưỡng, có sự giám sát của cử tri, công khai, minh bạch. Quốc hội đã tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi “đến cùng” vấn đề được giám sát. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện nghiêm túc, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội. Hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến rõ rệt, hiệu quả được nâng cao. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã chú trọng hơn đến việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn(4).

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội vẫn còn những hạn chế như: một số nội dung chất vấn và trả lời chất vấn còn chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân và giải pháp khắc phục; một số yêu cầu tại các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn, báo cáo giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội chưa được triển khai nghiêm túc, việc theo dõi, đôn đốc thực hiện chưa thực sự quyết liệt. Hoạt động giám sát cán bộ, công tác cán bộ chưa nhiều, chủ yếu tập trung vào hoạt động chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội chưa có hoạt động giám sát riêng về công tác cán bộ, những nội dung này nếu có lại được kết hợp trong nội dung giám sát khác của Quốc hội. Ví dụ, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tiến hành giám sát về “việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”.

Tiếp tục phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội trong giám sát cán bộ và công tác cán bộ

Một là, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội phải là người tiêu biểu, có năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ, gắn bó với cử tri, thể hiện được tiếng nói, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội. Để xây dựng Quốc hội có tính chuyên nghiệp cần xây dựng và tăng cường tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, trọng tâm là đại biểu Quốc hội chuyên trách, có cơ cấu hợp lý, chất lượng là quan trọng hàng đầu, cần xem xét, đổi mới tiêu chí giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, chú trọng giới thiệu người có năng lực, có đức, có tài. Tăng cường bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội và người được quy hoạch làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Bên cạnh đó, cần bố trí hợp lý tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách theo lộ trình: Quốc hội khóa XV tiếp tục bổ sung để bảo đảm có ít nhất 40% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và nghiên cứu tăng hợp lý trong nhiệm kỳ tiếp theo; đồng thời lựa chọn, sắp xếp, bố trí vào các cơ quan phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phạm vi tiếp xúc cử tri để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ, không chỉ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri nơi bầu ra đại biểu mà còn đại diện cho cử tri cả nước: tạo điều kiện cho các đại biểu thường xuyên đi cơ sở, gắn bó mật thiết với Nhân dân để nắm bắt được ý kiến của người dân về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, từ đó truyền tải tiếng nói của người dân vào hoạt động của Quốc hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tiếp xúc cử tri (tiếp xúc cử tri trực tuyến, qua thư điện tử…) để lắng nghe, tiếp thu được nhiều ý kiến của cử tri trên cả nước.

Hai là, tăng cường đổi mới mạnh mẽ thể chế.

Về nguyên tắc, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Quốc hội là cơ quan có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác kiểm soát quyền lực nhà nước, do vậy, một trong những giải pháp kiểm soát thực hiện công tác cán bộ là phát huy vai trò của Quốc hội; cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực của Quốc hội trong công tác cán bộ, tập trung vào quy định về quyền giám sát tối cao của Quốc hội.

Trong đó, cần kiểm soát đồng bộ, thống nhất các khâu, các mối quan hệ giữa các chủ thể có thẩm quyền trong công tác cán bộ. Cơ chế kiểm soát quyền lực phải theo hướng đa chiều, đa diện với nhiều kênh khác nhau, như kiểm soát của Quốc hội (thông qua lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, chất vấn…), kiểm soát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiểm soát của các cơ quan của Quốc hội gắn với lĩnh vực được phân công, kiểm soát của đại biểu Quốc hội. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo hướng tăng cường các công cụ giám sát của Quốc hội, tăng thẩm quyền xử lý của Quốc hội, đưa hoạt động giám sát trở thành hoạt động thường xuyên, sửa đổi quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm để tăng cường hiệu quả của hoạt động này (tăng số lần lấy phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ; hoàn thiện quy trình, cách thức lấy phiếu tín nhiệm…); đổi mới quy định để bỏ phiếu tín nhiệm thực hiện trong thực tế.

Ba là, đẩy mạnh giám sát chuyên đề về công tác cán bộ.

Bên cạnh các hình thức giám sát của Quốc hội về cán bộ được tổ chức thực hiện thường xuyên, định kỳ (chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm…), cần tăng cường giám sát của Quốc hội về công tác cán bộ, coi đây là một phương thức kiểm soát hiệu quả đối với công tác cán bộ của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Quốc hội định kỳ thành lập Đoàn giám sát, hoặc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập đoàn giám sát về công tác cán bộ đối với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; giám sát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác cán bộ.

Bốn là, đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác cán bộ ở địa phương.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần tăng cường giám sát công tác cán bộ ở địa phương định kỳ hoặc đột xuất khi phát hiện hoặc qua nắm tình hình những cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương có biểu hiện vi phạm về công tác cán bộ để kịp thời kiến nghị xử lý.

TS. Nguyễn Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

 

Nguồn: tcnn.vn

 

-------------------

Ghi chú:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2018, tr.48.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.226.

(3) Xem https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/nang-cao-hieu-qua-kiem-soat-quyen-luc-trong-cong-tac-can-bo-hien-nay.

(4) Quốc hội, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Tìm kiếm