BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam

11/06/2020 11:41

Lá cờ Tổ quốc là biểu tượng của dân tộc, đồng thời cũng là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam gắn liền với những năm tháng đấu tranh kiên cường của các thế hệ đi trước. Những người đã đứng lên chiến đấu, giành chính quyền về tay nhân dân, thống nhất đất nước. Nhưng ít người trong chúng ta biết rằng, người ký Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp!

Theo đó, ngày 05/9/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 5 ấn định Quốc kỳ Việt Nam.

Sắc lệnh gồm 3 điều và một bản phụ kèm theo. “Điều 1. Cờ quẻ ly nay bãi bỏ. Điều 2. Quốc kỳ Việt Nam ấn định như sau này: a) Hình chữ nhật, bề ngang hai phần ba bề dài; b) Nền màu đỏ máu, ở giữa gần sao 5 cánh màu vàng nghệ tươi. Kích thước và cách gắn sao đã ấn định trong bản phụ đính kèm theo Sắc lệnh này”.

Bản phụ Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam:

Kích thước:
Nền cờ: Bề dài = a, bề ngang = 2/3a.
Sao: Từ trung tâm đến hết I góc lồi = 1/5a, từ trung tâm đến I góc lõm = 1/10a.
Mầu sắc: Nền mầu đỏ tươi, Sao vàng tươi.
Cách đặt sao: Ngôi sao vàng có 5 góc lồi và 5 góc lõm, trung tâm sao đặt đúng trung tâm nền cờ, một góc lồi quay thẳng lên phía trên theo đường AB.

Bản phụ Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam

Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong đó, phải có một Hiến pháp dân chủ. Người đề nghị Chính phủ "tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”, để có cơ sở xây dựng Hiến pháp. 

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 và Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội ngày 02/3/1946 là một bước phát triển về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới; một Nhà nước pháp quyền của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc.

Tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội, sau nhiều buổi thảo luận sôi nổi để bổ sung, sửa đổi từng điều cụ thể, ngày 09/11/1946, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Hiến pháp năm 1946).

Tại Điều thứ 3, Hiến pháp năm 1946 quy định: Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh.
Đến Hiến pháp năm 1959, tại Điều 109 quy định: Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. 

Tiếp đó, tại Điều 142, Hiến pháp năm 1980; Điều 141, Hiến pháp năm 1992 và Điều 13, Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể hơn: Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

Quốc kỳ Việt Nam

Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, là biểu tượng của ý Đảng, lòng dân, là biểu tượng thiêng liêng nhất, thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược và xây dựng đất nước hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc. Lá cờ đỏ sao vàng là minh chứng khẳng định cho sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình của dân tộc Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. 

Như vậy, có thể thấy, trong thời gian đầu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp là người duy nhất trong Chính phủ lâm thời được phép ký một loạt sắc lệnh quan trọng như : Thiết quân luật ở Hà Nội; ấn định Quốc kỳ Việt Nam; mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân Đại hội, v.v. dưới danh nghĩa "Thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ". 

Đây là bằng chứng cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ Nội vụ trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng./.

Thanh Tuấn

Tài liệu tham khảo: 
- Lịch sử Bộ Nội vụ, NXB Chính trị quốc gia, 2005;
- Biên niên Lịch sử Bộ Nội vụ, NXB Đại học Sư phạm, 2007;
- Việt Nam Dân quốc Công báo, số 1, năm 1945;
- Lịch sử Chính phủ Việt Nam. Tập 1: 1945-1955. NXB Chính trị quốc gia, 2005.

Tìm kiếm