Thưa quý vị,
Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, Việt Nam luôn chủ động tham gia, đóng góp vào các hoạt động của EROPA trong thời gian qua. Để xây dựng nền quản trị công có hiệu quả, là động lực cho phát triển bền vững, tôi cho rằng chủ đề của Hội nghị “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững” là rất thiết thực, phù hợp. Đó không chỉ là sự khẳng định về vai trò mà còn là tiếng nói về trách nhiệm của quản trị công đối với phát triển bền vững. Trong không khí trao đổi khoa học, cởi mở, chân thành, thẳng thắn của Hội nghị, tôi xin chia sẻ một số nội dung quan trọng sau:
Một là, trong đại dịch Covid-19, những chậm trễ khi ứng phó với các vấn đề về phát triển, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống đã cho thấy những hạn chế của quản trị toàn cầu. Đối mặt với đại dịch Covid-19, với các điểm nghẽn của phát triển ở tầm mức quốc gia và quốc tế, quản trị công được kỳ vọng cần phải có đủ năng lực xử lý khủng hoảng, kiến tạo mô hình quản trị quốc gia hiệu quả. Điều này cho thấy, cùng với quản trị toàn cầu, quản trị quốc gia ở mỗi quốc gia cần phải thực sự là bệ phóng, đòn bảy dẫn dắt cho sự phát triển.
Hai là, những biến đổi, diễn biến phức tạp của đời sống quốc tế một lần nữa cũng đặt ra những thách thức đối với quản trị công cả về lý luận và thực tiễn. Dù chúng ta có những triết lý khác nhau về quản trị công, quản trị khủng hoảng nhưng ở mỗi quốc gia, trong những giai đoạn nhất định, để cân bằng giữa các mục tiêu phát triển, các quốc gia đều phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí còn phải đánh đổi, phải trả giá nặng nề ngay trong hiện tại. Bối cảnh hiện nay cũng cho thấy, mỗi quốc gia đang xử lý những vấn đề phát triển với những cách tiếp cận khác nhau. Sự chia sẻ về thành công và những điều chưa thành công để cùng nhau phát triển bền vững trở thành điểm kết nối giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Ba là, quản trị công trong thời đại ngày nay phải thực sự là quản trị phát triển, có khả năng kiến tạo các viễn cảnh và tìm ra con đường để đi đến viễn cảnh tươi sáng đó. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Để kiến tạo phát triển bền vững, vai trò của nền quản trị công, nền công vụ ở mỗi quốc gia cần được khẳng định và thể hiện đầy đủ hơn. Với vai trò tạo lập và tổ chức thực hiện có hiệu quả thể chế, chính sách cho phát triển bền vững, huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển, xây dựng các kịch bản phát triển không chỉ trong điều kiện bình thường mà còn trong các điều kiện môi trường nhiều biến động, nhiều bất lợi, thách thức, nền công vụ phải trở thành một nhân tố trung tâm của các nỗ lực phát triển bền vững. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, cải cách công vụ đã trở thành xu thế, nội dung trọng tâm trong đổi mới quản trị công ở mọi quốc gia như một giải pháp cho phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai.
|