BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bài trình bày về “Xây dựng và Ban hành Nghị định mới của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ - Một bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính ở Việt Nam” của Tiến sỹ Đinh Duy Hòa - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ, Ủy viên Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

26/09/2008 09:30

 I. BỐI CẢNH
              
Theo thông lệ và thực tiễn quản lý của Việt Nam thì mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đều có một Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ câú tổ chức của mỗi cơ quan. Ngoài ra, ở một số văn bản khác như Luật, Pháp lệnh v.v.. cũng có những quy định về những vấn đề này. Ví dụ như Luật Giáo dục có những quy định cụ thể về chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và đào tạo, quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo trong việc thành lập các Trường Cao đẳng, Trường dự bị Đại học hoặc Luật Thương mại quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ về thương mại. Tuy nhiên, nếu xét một cách toàn diện thì chính các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ mới là loại văn bản pháp luật chủ yếu làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của một Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Thông thường, bố cục của một Nghị định này bao gồm hai phần chính, đó là phần quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ và phần về cơ cấu tổ chức các cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng cũng như các đơn vị trực thuộc Bộ như Cục, Tổng cục, Viện, Trường và doanh nghiệp nhà nước cũng như quy định Bộ cơ quan chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực ở địa phương
Cho đến tháng 6/2002, có 23 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 23 cơ quan thuộc Chính phủ (phụ lục 1), do đó có tất cả là 46 Nghị định loại này của Chính phủ.
Hiện tại, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có liên quan đang khẩn trương chuẩn bị các Nghị định mới. Sở dĩ phải xây dựng Nghị định mới là vì các lý do chủ yếu sau đây:
- Thứ nhất, Hiến pháp 1992 được Quốc hội sửa đổi vào cuối năm 2001 đã bỏ thẩm quyền của các cơ quan thuộc Chính phủ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, chỉ còn các Bộ, cơ quan ngang Bộ mới tiếp tục có thẩm quyền này. Quy định sửa đổi này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước trong thời gian tới.
- Thứ hai, Luật mới về tổ chức của Chính phủ được Quốc hội thông qua cuối năm 2001 cũng bổ sung thêm hai chức năng cho các Bộ. Như vậy theo quy định của Luật, các Bộ, cơ quan ngang Bộ được xác định là cơ quan có chức năng:
+ Quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước,
+ Quản lý nhà nước dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực,
+ Thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Cả ba chức năng này đòi hỏi phải được tiếp tục cụ thể hoá trong các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Nghị định chung của Chính phủ cho tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ và trên cơ sở đó từng Bộ sẽ có một Nghị định riêng.
- Thứ ba, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XI tháng 7, 8/2002, Quốc hội đã thông qua cơ cấu tổ chức của Chính phủ bao gồm 26 Bộ, cơ quan ngang Bộ trong đó có 3 Bộ mới là Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Bưu chính viễn thông, Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em, đổi tên một số Bộ, cơ quan ngang Bộ. Như vậy hiện tại có 26 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 13 cơ quan thuộc Chính phủ (phụ lục số 2). Như vậy đương nhiên phải có một loạt các Nghị định cho các Bộ mới, cho các Bộ đổi tên cũng như cho các Bộ còn lại.
- Thứ tư, thực tiễn triển khai cải cách hành chính những năm qua đã xác định tương đối rõ một số loại công việc, nhiệm vụ chồng chéo giữa một số Bộ, cũng như một số công việc do Trung ương làm có thể phân cấp cho địa phương. Vấn đề này cũng đòi hỏi có sự điều chỉnh thích hợp trong các Nghị định mới của Chính phủ và các Bộ.
- Thứ năm, xây dựng mới Nghị định của các Bộ cũng là dịp, cơ hội tạo ta một cơ cấu tổ chức hợp lý và gọn nhẹ bên trong các Bộ, phục vụ tốt cho sự quản lý của các Bộ.
II. YÊU CẦU CỦA CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH MỚI CỦA CÁC BỘ.
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 được Thủ tướng Chính phủ thông qua tháng 9/2001 đã xác định mục tiêu chung đến năm 2010 là xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Từ đó dẫn đến Nghị định mới về các Bộ cần đáp ứng cho được các yêu cầu sau đây của quá trình cải cách hành chính:
- Xác định rõ, phù hợp nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền các Bộ, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ mà cụ thể là hoạch định chính sách, kế hoạch, pháp luật, thể chế.
- Giao quyền tương ứng với trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý nhà nước.
- Giải quyết được một cách căn bản các chồng chéo về nhiệm vụ giữa các Bộ đang tồn tại từ trước tới nay.
- Phân cấp những công việc mà Trung ương đang làm cho chính quyền địa phương nếu điều đó là phù hợp, chuyển giao bớt một số công việc của Bộ cho các tổ chức xã hội, cho các tổ chức Phi Chính phủ.
- Xác định cơ cấu tổ chức của Bộ gọn nhẹ, làm rõ loại hình tổ chức giúp Bộ trưởng tham mưu, hoạch định chính sách, pháp luật, thể chế với loại hình tổ chức thực thi, cung ứng dịch vụ công và điều tiết.
III. CÁC CÔNG VIỆC CẦN THIẾT PHẢI THỰC HIỆN.
1. Rà soát nhiệm vụ của các Bộ
Đây là công việc đầu tiên cần làm tốt, bao gồm những nội dung cụ thể như sau:
- Rà soát để thống kê cho đủ các loại nhiệm vụ, công việc chủ yếu mà Bộ được giao thực hiện trong các văn bản pháp luật kể từ Luật, Pháp lệnh, Nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Dự kiến bổ sung những nhiệm vụ, những công việc mới cho Bộ phát sinh từ tình hình mới.
- Phân tích, đánh giá kết quả rà soát để đi đến kết luận những loại nhiệm vụ, công việc mà các Bộ còn tiếp tục thực hiện, loại nào nên chuyển giao cho Bộ khác, loại nào nên phân cấp cho địa phương thực hiện. Kinh nghiệm hai năm rà soát vừa qua cho thấy đây là khâu hết sức quan trọng, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, vì ít khi có trường hợp các Bộ tự giao bớt đi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho các Bộ khác hoặc cho địa phương.
2. Đánh giá các tổ chức của Bộ
Phần này nên tập trung vào đánh giá trước hết các tổ chức giúp Bộ trưởng trong công tác tham mưu, hoạch định chính sách. Điều quan trọng là phân biệt rõ được đâu là loại hình tổ chức tham mưu và loại hình tổ chức thực thi, cung cấp dịch vụ công để từ đó đề xuất cơ cấu tổ chức của Bộ một cách hợp lý.
3. Thể hiện những kết quả của phần 1, 2 trong Nghị định của Chính phủ.
Thực chất phần này là kế thừa của hai bước đi trước, thường có tính kỹ thuật là chính. Nếu làm tốt hai bước trước thì bước thứ ba này sẽ đơn giản và nhanh chóng.
IV. CÁCH THỨC TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các Bộ tiến hành xây dựng Nghị định theo trình tự như sau:
1. Từng Bộ chủ động xây dựng Nghị định của mình có sự phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình chuẩn bị.
2. Riêng Nghị định 3 Bộ mới là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Bưu chính viễn thông, Uỷ ban Dân số gia đình và trẻ em giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng.
3. Các Phó Thủ tướng phụ trách các lĩnh vực, các ngành có liên quan đến Bộ cùng với Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chỉ đạo công việc chuẩn bị Nghị định cho Bộ đó.
4. Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ thẩm định tờ trình của các Bộ về Nghị định trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chính thức để thông qua.
Về mặt thời gian, yêu cầu cần có ngay Nghị định của 3 Bộ mới để các Bộ đó có thể vào hoạt động chính thức.
V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CHO ĐẾN NAY VÀ MỘT SỐ BÀI HỌC RÚT RA
1. Tiến độ
Cho đến nay dự thảo Nghị định 3 Bộ mới đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Đánh giá chung là mặc dù có chuẩn bị tích cực, nhưng nhìn chung tiến độ có bị chậm, chưa bảo đảm lộ trình đưa ra. Do đó cần phải đẩy nhanh hơn nữa công tác này trong thời gian tới.
2. Bài học rút ra
2.1. Bản thân các Bộ không thể tự giải quyết những công việc chồng chéo với nhau được. Điều này đòi hỏi sự chỉ đạo và quyết định xử lý của Thủ tướng Chính phủ.
2.2. Bản thân các Bộ sẽ không đề xuất nhiều về vấn đề phân cấp cho chính quyền địa phương, do đó phải có bộ phận tham mưu, nghiên cứu đề xuất để Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quyết định cụ thể.
2.3. Phần liệt kê các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công, các doanh nghiệp nhà nước của các Bộ nên để xử lý trong một văn bản khác của Chính phủ.

Tìm kiếm
EMC Đã kết nối EMC