Tham dự Hội nghị có các đại biểu đến từ một số nước ASEAN; đại diện lãnh đạo, công chức, viên chức các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, công chức một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, trải qua hơn năm thập niên hình thành và phát triển, ASEAN đã không ngừng lớn mạnh, trở thành Cộng đồng gồm 10 quốc gia làm chủ vận mệnh của mình và ngày càng trưởng thành hơn về chính trị, vững vàng hơn về kinh tế, hoàn thiện hơn về thể chế, gắn kết hơn trong quan hệ.
Thứ trưởng nhấn mạnh, thế kỷ 21 đặt ra những cơ hội và thách thức to lớn cho ASEAN trong hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, hướng tới “một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”. ASEAN đang thực hiện những đổi mới, điều chỉnh, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn.
Theo đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 tổ chức tại Philippines từ ngày 28/4-29/4/2017, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã ký Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Tuyên bố nhấn mạnh vai trò của nền công vụ là “xương sống” trong việc xây dựng một bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả tại các nước ASEAN, là chất xúc tác trong việc hợp tác giữa các trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Vì vậy, nhiệm vụ cơ bản đặt ra là phải xây dựng được nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, năng động, minh bạch, tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân và các tổ chức xã hội để có thể hiện thực hóa được một Cộng đồng ASEAN vào năm 2025.
Quang cảnh Hội nghị
Chính phủ Việt Nam, với cam kết sẽ cùng các nước quyết tâm xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, thu hẹp khoảng cách phát triển; hợp tác thiết thực phục vụ người dân, đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp triển khai Tuyên bố. Với nỗ lực này, ngày 29/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1439/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025” (Đề án 1439).
Với mục tiêu phát huy vai trò của nền công vụ trong việc thúc đẩy các chương trình cải cách toàn diện theo các định hướng của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, phù hợp với phương châm xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”, một trong những giải pháp chính của Đề án là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về các giá trị chung của Cộng đồng ASEAN nói chung và nền công vụ các nước ASEAN nói riêng; thúc đẩy, khuyến khích học hỏi kinh nghiệm các nước ASEAN về cách thức quản lý nền công vụ hiệu quả và thu hút sự tham gia của người dân.
Để Hội nghị đảm bảo chất lượng và thành công, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị chủ động, tích cực đưa ra các vấn đề cần trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm tốt, cách làm hay trong thực thi công vụ, cải cách hành chính công và nâng cao năng lực công chức.
Quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Lưu Trung phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ Trần Lưu Trung giới thiệu Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; Đề án 1439 và định hướng cho các địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Đề án 1439.
Đề án 1439 đặt mục tiêu cụ thể năm 2019, các bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án.
Từ năm 2019 đến năm 2025, 100% công chức được tập huấn, trang bị kiến thức đầy đủ về Cộng đồng ASEAN; 80% công chức được tập huấn về kỹ năng hành chính, quản lý nhà nước đáp ứng các tiêu chuẩn và giá trị chung của nền công vụ các nước ASEAN.
Đề án sẽ thúc đẩy hợp tác trong việc phát triển và chia sẻ kinh nghiệm đối với các lĩnh vực quan trọng; tập trung đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng cộng đồng các chuyên gia trong từng lĩnh vực để thu hẹp khoảng cách và khuyến khích hợp tác giữa các nước ASEAN; bảo đảm tiếp thu những nguyên tắc quản trị hiệu quả của nền công vụ các nước ASEAN.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện các nước ASEAN trình bày tham luận và chia sẻ kinh nghiệm về cải cách chính sách tiền lương của Campuchia; tổng quan về nền công vụ Lào và cải cách công vụ bằng sáng kiến của Myanma.
Ông Prak Pranitha, đại diện Bộ Công vụ Campuchia trình bày tham luận tại Hội nghị
Ông Prak Pranitha, Trưởng phòng Giám sát và đánh giá, Vụ Chính sách công vụ, Bộ Công vụ Campuchia chia sẻ kinh nghiệm về cải cách chính sách tiền lương của Campuchia. Theo đó, nền công vụ Campuchia được tổ chức thành từng cơ quan, vị trí và ngạch bậc (03 ngạch: A, B, C).
Ngạch A có 03 bậc; trong đó, bậc 1 có 06 cấp, bậc 2 có 4 cấp và bậc 3 có 4 cấp. Ngạch B có 03 bậc; trong đó, bậc 1 có 06 cấp, bậc 2 có 4 cấp và bậc 3 có 04 cấp. Ngạch C không có bậc nhưng có 10 cấp.
Số lượng công chức (cả Trung ương và địa phương) theo ngạch A có 57.718 người; ngạch B có 69.952 người và ngạch C có 81.000 người.
Hệ thống lương của công chức Campuchia kết hợp các nguyên tắc của hệ thống chức nghiệp (lương cơ bản dựa trên cơ sở các chỉ số được xây dựng theo mỗi ngạch A, B, C, bậc và cấp) và hệ thống hợp đồng/ vị trí việc làm (phụ cấp trách nhiệm được trả cho các công chức theo vị trí việc làm và trách nhiệm của họ).
Như vậy, lương của công chức Campuchia bao gồm: lương cơ bản; phụ cấp trách nhiệm và phụ cấp thêm; phụ cấp khác (phụ cấp khu vực theo ngành y tế, giáo dục; phụ cấp gia cảnh...).
Tuy nhiên, theo ông Prak Pranitha, lương công chức Campuchia không có tính cạnh tranh và thấp hơn so với giá cả thị trường. Lương và lương hưu của công chức thấp hơn và không tương xứng với lương của lực lượng an ninh và quân đội. Bên cạnh đó, việc chi trả lương là bằng tiền mặt, thường muộn hơn và không đúng số lượng; hệ thống lương chưa đáp ứng nguyên tắc công bằng, hiệu quả và nhất quán...
Ông Sysouphanh Phimmahaxay, đại diện Bộ Nội vụ Lào trình bày tham luận tại Hội nghị
Tham luận tổng quan về nền công vụ Lào, ông Sysouphanh Phimmahaxay, Vụ Phát triển và đánh giá thực thi công vụ, Bộ Nội vụ Lào cho biết, nền hành chính công của Lao gồm có 21 bộ và cơ quan tương đương bộ; có 01 thủ đô, 17 tỉnh và 03 đô thị; có 148 quận, huyện và 8.651 làng.
Chính phủ Lào giao 02 cơ quan chịu trách nhiệm quản lý công vụ trong cả nước là Ủy ban nhân sự và Tổ chức Trung ương (CCOP) và Bộ Nội vụ (MOHA). Tuy nhiên, có sự phân chia rõ ràng về vai trò và trách nhiệm giữa hai cơ quan; trong đó, MOHA chịu trách nhiệm quản lý công vụ chung trong cả nước và bổ nhiệm công chức từ cấp trợ lý đến cấp lãnh đạo cao và trung cấp (Phó Trưởng phòng đến Phó Vụ trưởng); CCOP chịu trách nhiệm đối với lãnh đạo cấp cao từ cấp Vụ trưởng trở lên.
Chính phủ Lào đưa ra mục tiêu cải cách nhằm hợp lý hóa số lượng công chức; cải cách tổ chức bộ máy (cơ cấu lại tổ chức); đẩy mạnh phân cấp; áp dụng công nghệ hiện đại trong hệ thống quản lý công vụ; phát triển và sửa đổi luật pháp liên quan đến quản lý công vụ...
Ông Pyae Phyo Aung, đại diện Ban Công vụ Liên bang Myanma trình bày tham luận tại Hội nghị
Trình bày tham luận “Cải cách công vụ bằng sáng kiến – Một bước tiến tới hệ thống thực tài tại Myanma”, ông Pyae Phyo Aung, Trợ lý Vụ trưởng, Ban Công vụ Liên bang Myanma cho biết, nền công vụ Myanma là sự liên kết giữa Chính phủ và người dân. Nền công vụ có một vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ và chính sách của Chính phủ. Do đó, Chính phủ Myanma đã ưu tiên cải cách công vụ với sự nhấn mạnh vào việc tăng cường phát triển năng lực và khả năng cung cấp của cấp Liên minh cũng như cấp Nhà nước và các vùng. Cải cách công vụ sẽ đảm bảo cung cấp tiếng nói cải cách cho các quốc gia và khu vực; tăng cường năng lực và khả năng của quốc gia, của các vùng đảm nhận vai trò lãnh đạo ngày càng tăng trong quan hệ đối tác với Chính phủ Liên minh.
Trong quá trình cải cách, Ủy ban Công vụ Liên bang là tác nhân chính sách chính liên quan đến các vấn đề công vụ, người giữ vai trò lãnh đạo và điều phối trong việc phát triển và cung cấp Kế hoạch hành động Chiến lược cải cách công vụ (giai đoạn 2017-2021). Cải cách công vụ được khởi xướng với sự quan tâm đặc biệt đến các mục tiêu chính sách lớn như: Nuôi dưỡng hệ thống công chức, công vụ trong xã hội phù hợp với đúng người, đúng chỗ, đúng thời điểm; xây dựng nền công vụ độc lập, hiệu quả, có năng lực và kỷ luật vì sự phát triển toàn diện bền vững của quốc gia. Đồng thời, tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ, trách nhiệm và khả năng đáp ứng dịch vụ công; áp dụng phương pháp phát triển lấy người dân làm trung tâm.
Tuy nhiên, vì cấu trúc Chính phủ của Myanma là một hệ thống tập trung và phân cấp trong vài thập kỷ trước năm 2010, hệ thống công vụ hoàn toàn là hệ thống chỉ huy, thực hành chuỗi hệ thống chỉ huy từ trên xuống. Hầu hết các quyết định đến từ cấp Liên minh hàng đầu mà không có bất kỳ mong muốn nào của cấp địa phương và sự tham gia của người dân. Cùng với đó là vấn nạn tham nhũng, lạm dụng thẩm quyền, các quyết định thúc đẩy và chuyển nhượng không công bằng, không minh bạch do sự ưu ái và tham nhũng trong khu vực Chính phủ là những vấn đề và thách thức mà Myanma cần giải quyết.
Với 27 câu hỏi được đưa ra tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sôi nổi xoay quanh các vấn đề về nền công vụ, cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách chính sách tiền lương, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, xử lý công chức vi phạm pháp luật và công chức yếu kém năng lực... của các nước ASEAN.
Các đại biểu đặt câu hỏi, thảo luận tại Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng gửi lời cảm ơn chân thành tới các đại biểu, các báo cáo viên ASEAN đến từ Campuchia, Myanmar và Lào đã quan tâm dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động của nền công vụ nước mình. Đây là bằng chứng sống động của việc củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN theo tinh thần mà các nguyên thủ quốc gia vừa nêu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững”.
Thứ trưởng yêu cầu Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ tổng hợp các ý kiến đại biểu, kế hoạch của địa phương và đề xuất tổ chức sơ kết nhiệm vụ năm 2019 để xây dựng kế hoạch triển khai cho các năm tiếp theo./.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng tặng quà lưu niệm cho các báo cáo viên nước bạn
Quyền Vụ trưởng Trần Lưu Trung chụp ảnh lưu niệm với các báo cáo viên nước bạn
Thanh Tuấn