Bố cục bài tham luận gồm những nội dung chính sau:
- Khái niệm về đạo đức và đạo đức nghề nghiệp
- Quy định của pháp luật Việt Nam về đạo đức nghề nghiệp
- Quan điểm chung về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp
- Những lời dạy sâu sắc của Bác đối với ngành khoa học và công nghệ nói chung và hoạt động nghiên cứa của Viện nói riêng
- Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, viên chức Viện ứng dụng Công nghệ và giải pháp thực hiện
I. Khái niệm về đạo đức và đạo đức nghề nghiệp
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp những nguyên tắc, chuẩn mực của xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của con người, vì sự tiến bộ của xã hội trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân và xã hội.
Kết cấu của đạo đức bao gồm: Ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức.
Ý thức đạo đức là những quan niệm của con người về những hiện tượng xã hội như: thiện, ác, tốt, xấu, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng...
Hành vi đạo đức là biểu hiện ra ngoài của đạo đức con người; là sự ứng xử của con người trong các quan hệ xã hội thông qua các hành vi như: thái độ, cử chỉ, tác phong, ánh mắt, nụ cười, lời nói...
Quan hệ đạo đức là những quan hệ có nội dung đề cập đến trách nhiệm và bổn phận.
Đạo đức nghề nghiệp là một bộ phận của đạo đức xã hội, là đạo đức cụ thể trong đạo đức chung của xã hội. Đạo đức nghề nghiệp là những yêu cầu đạo đức có liên quan đến việc tiến hành một hoạt động nghề nghiệp, bao gồm các quy tắc, các nguyên tắc chuẩn mực của một lĩnh vực nghề nghiệp trong đời sống, nhờ đó mà mọi thành viên của lĩnh vực nghề nghiệp đó tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù họp với lợi ích và sự tiến bộ của nó trong mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể với xã hội...
II. Quy định của pháp luật Việt Nam về đạo đức nghề nghiệp
Đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức được quy định tại Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ban hành ngày 15/11/2010:
Điều 3 giải thích khái niệm đạo đức nghề nghiệp:
Đạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.
Điều 16 quy định “Nghĩa vụ chung của viên chức”:
1. Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
2. Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô
tư.
3. Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài sản được giao.
5. Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức.
Điều 17 quy định “Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp”:
1. Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng.
2. Phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.
3. Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền.
4. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
5. Khi phục vụ nhân dân, viên chức phải tuân thủ các quy định sau:
a) Có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân;
b) Có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn;
c) Không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân;
d) Chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
6. Chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
7. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 18 quy định “Nghĩa vụ của viên chức quản lý”:
Viên chức quản lý thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 16, Điều 17 của Luật này và các nghĩa vụ sau:
1. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị theo đúng chức trách, thẩm quyền được giao;
2. Thực hiện dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, đạo đức nghề nghiệp trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách;
3. Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp của viên chức thuộc quyền quản lý, phụ trách;
4. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, tài chính trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách;
5. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
Điều 19 quy định “Những việc viên chức không được làm”:
1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
2. Sử dụng tài sản của cơ quan, tố chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
3. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
4. Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.
5. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
6. Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
II. Quan điểm chung về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Các nhà nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đã rút ra những nội dung cơ bản của văn hoá đạo đức Hồ Chí Minh, đó là: trung với nước, hiếu với dân, phẩm chất đạo đức quan trọng nhất, bao trùm nhất, là tình yêu thương đối với con người; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế trong sáng, đồng thời cũng khẳng định ba nguyên tắc đạo đức của Người: nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Những quan điểm và nguyên tắc trên đây đã được Bác thể hiện trong rất nhiều tác phẩm của Người. Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, chương đầu tiên của cuốn sách là Tư cách một người cách mệnh và tiêu chuấn đầu tiên trong tư cách một người cách mệnh chính là cần kiệm. Sau này là các tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc” (10-1947), “ Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” (1952). “Đạo đức cách mạng” (12-1958) và các bài báo như “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn”, “Cần kiệm liêm chính”, “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sách chủ nghĩa cá nhân”... Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Người nhắc “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư...” và “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Người khẳng định: đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Người nói: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Bác cũng từng nói: “Đạo đức như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối, sức mạnh của con người, sức có mạnh mới gánh được nặng, và đi được xa”. .
Như vậy, theo Bác, đạo đức chính là gốc. Nếu gốc vững, thì con người ta dễ dàng phát huy tài trí, tự làm sáng bản thân và trở thành con người có ích cho xã hội. Nếu gốc ấy không vững, thì con người dễ dàng ngả nghiêng, sa ngã, “lòng dạ không còn trong sáng nữa”. Và khi đó, con người sẽ tự làm xấu chính mình và làm hại người khác.
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta dễ nhận thấy “cần, kiệm, liêm, chính” là những phẩm chất được Người đề cập nhiều nhất, thường xuyên nhất với một nội dung đạo đức vừa rất mới, rất cách mạng mà lại vẫn rất quen thuộc, truyền thống. Đây cũng chính là những phẩm chất của viên chức được quy định tại Điều 16 Luật Viên chức (nêu ở phần trên). Trong tác phấm “Cần, kiệm, liêm, chính”, Bác coi bốn đức tính ấy không thể thiếu đối với mỗi con người, Bác viết:
“Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc.
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người”
Và Bác giải thích:
“Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai...
Tục ngữ ta có câu:
Nước chảy mãi, đá cũng mòn.
Kiến tha lâu cũng đầy tổ.
Nghĩa là Cần thì việc gì, dù khó khăn mấy, cũng làm được.
Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ.
Chữ Cần chẳng những có nghĩa hẹp, như “tay siêng làm thì hàm siêng nhai”. Nó lại có nghĩa rộng là mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần.
Người siêng năng thì mau tiến bộ.
Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no.
Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh.
Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu.
Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hon, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng...
Cần không phải là làm xổi. Nếu làm cố sống cố chết trong một ngày, một tuần, hoặc một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Như vậy không phải là Cần.
Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Nhưng không làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc cho lâu dài.
Lười biếng là kẻ địch của chữ Cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Một người lười biếng, có ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn hàng vạn người khác.
Nếu có một người, một địa phương hoặc một ngành mà lười biếng, thì khác nào toàn chuyến xe chạy, mà một bánh xe trật ra ngoài đường ray. Họ sẽ làm chậm trễ cả chuyến xe.
Vì vậy, người lười biếng là có tội lỗi với đồng bào, với Tổ quốc...
Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi.
Cần với Kiệm, phải đi đôi với nhau như hai chân của con người.
Cần mà không Kiệm, “thì làm chừng nào xào chừng ấy”. Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy hết ra chừng ấy, không lại hoàn không.
Kiệm mà không Cần, thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì không tiến tức phải thoái. Cũng như cái thùng chỉ đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm vào, lâu ngày chắc nước đó sẽ hao bớt dần, cho đến khi khô kiệt.
Tiết kiệm không phải là bủn xỉn.
Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tố quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm.
Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn chứ không phải là kiệm.
Tiết kiệm phải kiên quyết không xa xỉ.
Việc đáng làm trong 1 giờ, mà kéo dài 2, 3 giờ, là xa xỉ.
Hao phí vật liệu, là xa xỉ.
Ăn sang mặc đẹp tròng lúc đồng bào đang thiếu cơm, thiếu áo, là xa xỉ.
Vì vậy xa xỉ là có tội với Tổ quốc, với đồng bào.
Liêm là trong sạch, không tham lam.
Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, nhũng người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm, chữ Liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp.
Cũng như ngày xưa trung là trung với vua. Hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi.
Ngày nay, nước ta là dân chủ cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải Liêm. Cũng như Trung là trung với Tổ quốc; hiếu là hiếu với nhân dân; ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải làm cho mọi người đều biết thương cha mẹ.
Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam...
Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà.
Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả, mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.
Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: người Thiện và người Ác.
Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc Chính và việc Tà.
Làm việc Chính, là người Thiện.
Làm việc Tà, là người Ác.
Siêng năng (cần), tần tiện (kiệm), trong sạch (liêm), Chính là Thiện.
Lười biếng, xa xỉ, tham lam, là tà, là ác...”
II. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp
Những quan điểm về đạo đức trên đây của Bác dường như vẫn còn nguyên giá trị đối với bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngày nay. Bốn phẩm chất đạo đức ”cần, kiệm, liêm, chính” không thể thiếu của mỗi con người lại càng không thể thiếu đối với mỗi công chức, viên chức.
Về Cần, Bác đã nói: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để ngày mai”. Bác còn nói: “Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi, nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.
Như vậy, hiểu đúng về chữ cần theo quan điểm của Bác đối với công chức, viên chức là phải đảm bảo làm việc đủ thời gian theo quy định và hoàn thành đủ khối lượng công việc như yêu cầu.
Về Kiệm: “là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ của dân, của nước, của bản thân mình; tiết kiệm từ cái to tới cái nhỏ”. Từ lý giải này của Bác, có thể hiểu Kiệm không chỉ có nghĩa là tiết kiệm tiền của, mà quan trọng hơn, đó là tiết kiệm thời gian, công sức. Đồng thời, không chỉ biết tiết kiệm tiền của, thời gian, công sức của bản thân mình, mà còn là tiết kiệm tiền của, thời gian, công sức của người khác.
Từ quan điểm này cho thấy, việc đáng một người làm cũng xong nhưng lại dây dưa hai, ba người mới giải quyết được, thì đó là xa xỉ, không tiết kiệm. Giải quyết công việc chậm trễ, công việc đáng giải quyết trong một giờ, một ngày mà kéo dài ra hai, ba giờ, hai, ba ngày, gây hao tổn thời gian và sức lực, đó cũng là không tiết kiệm.
Bác cũng nói rõ: tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là gặp việc gì đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Khi có việc đáng làm, việc có ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì cần bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng nên làm. Như thế mới là kiệm.
Quan điểm này của Bác rất có ý nghĩa khi Viện chúng ta đang tiến hành đổi mới tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mỗi cán bộ, viên chức cần phải xác định rõ vị trí việc làm gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và yêu cầu trách nhiệm, phạm vi công việc của mỗi cá nhân. Thực hiện tốt những việc này cũng chính là thực hiện cần, Kiệm theo quan điểm của Bác.
Nói về Liêm, Bác cho rằng: “cán bộ cơ quan, đoàn thể cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút”. “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ được cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên tai hại, biến thành sâu mọt của nhân dân”. Như vậy, theo Bác, những người làm trong bộ máy cơ quan nhà nước dễ có cơ hội để tham ô, tham nhũng, nhất là khi họ nắm trong tay quyền hành nhưng “thiếu lương tâm”, không giữ được 4 chữ cần, kiệm, liêm, chính. Do đó, Bác yêu cầu “những người trong công sở phải lấy liêm làm đầu”, nghĩa là “luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân”, “không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham tâng bốc mình”.
Từ quan điểm này cho thấy, để đạt được chữ Liêm, người cán bộ công chức, viên chức phải thực sự rũ bỏ lòng tham, không chỉ đối với tiền bạc, vật chất mà cả với những danh vọng, địa vị, chức tước. Tiền tài và danh vọng có sức cám dỗ vô cùng mạnh mẽ, do đó, việc thực hiện chữ Liêm đối với người công chức, viên chức là rất khó khăn nhung vô cùng cần thiết, dù khó đến mấy cũng phải “lấy Liêm làm đầu”.
Lời ghi của Bác ở trang đầu sổ vàng truyền thống nhân dịp khai trường của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (sau này là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), tháng 9 năm 1949
Về chữ Chính, Bác căn dặn người công chức: “mình là người làm việc cần phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công minh, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ hay tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc”. Chớ vì bà con, bầu bạn mà bổ họ vào chức nọ, chức kia. Chớ vì mình chưa giỏi, sợ mất uy, mà dìm những người có tài hơn mình”.
Theo Bác: Chính còn có nghĩa là “ngay thẳng, là đúng đắn, chính trực. Đối với tự mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc; luôn giữ thái độ chân thành khiêm tốn, đoàn kết; đối với việc thì để việc công lên trước việc tư. Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng phải tránh”.
Nếu mỗi cán bộ công chức, viên chức rèn luyện và tu dưỡng theo đúng chữ Chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể xoá bỏ được những vấn đề tiêu cực vẫn đang tồn tại trong các cơ quan nhà nước hiện nay và xây dựng được đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, ngay thẳng, trách nhiệm, một nền công vụ hiệu quả.
IV. Những lời dạy sâu sắc của Bác đối với ngành khoa học và công nghệ nói chung và hoạt động nghiên cứu của Viện nói riêng:
1. Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963 Bác nói “Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải tiến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang”. Lời dạy này thể hiện quan điểm của Bác đánh giá cao vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ đối sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đặt ra trách nhiệm lớn lao đối với các nhà nghiên cứu khoa học.
2. Lời dạy sau đây của Bác vô cùng ý nghĩa đối với tất cả chúng ta:
“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ.
Học để phụng sự Đoàn thể,
Học để phụng sự giai cấp và nhân dân,
Học để phụng sự Tổ quốc và nhân loại.
Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”
Lời ghi của Bác ở trang đầu sổ vàng truyền thống nhân dịp khai trường của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (sau này là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), tháng 9 năm 1949
3. “... Một người học xong đại học có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế.
Vì vậy, những người trí thức đó cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế.
Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận.
Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn.
Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên.
Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích.
Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành.
... Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng.”
(Tác phẩm Sửa đối lối làm việc, tháng 10-1947)
4. Nguyên tắc kế thừa trong nghiên cứu khoa học được thể hiện trong lời dạy của Bác, qua câu chuyện có thật sau đây của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, do GS. Nguyễn Văn Ngọ kể lại:
Ý tưởng làm truyền hình của Trường có từ sớm, nhưng chỉ có cơ hội thực hiện khi Liên Xô tổ chức một cuộc triển lãm khoa học - kỹ thuật lớn ở Hà Nội. Đồng chí Hoàng Ninh được cử tham gia phục vụ cuộc triển lãm, với ý đồ sau khi kết thúc triển lãm thì xin bạn một cái vidicon. Từ cái vidicon đó, Hoàng Ninh lắp ra camera và các bộ khuếch đại tuyến tính để quay video ở một phòng và dùng cáp đưa đến một monitor đặt trong cùng phòng, và một máy thu hình đặt ở phòng bên.
Đồng chí Nguyễn Như Kim là người có đầu óc tố chức và khả năng thuyết phục giỏi. Sau khi hệ thống đã được trình diễn thử vài lần và mời khách đến tham quan đạt kết quả tốt, ông mạnh dạn đề nghị Lãnh đạo Trường mời các vị ủy viên Bộ Chính trị tới để báo cáo và trình diễn. Buổi trình diễn chính thức trước các quan khách cấp cao đã mở ra giai đoạn phát triến mới cho Bộ môn Vô tuyến điện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mà đến bây giờ những người được tham dự còn nhớ mãi. Sau khi phát thanh viên xưng danh: “Đây là Đài truyền hình trường Đại học Bách khoa” và giới thiệu “Chương trình phát sóng hôm nay” thì chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Vô tuyến điện Nguyễn Văn Ngọ ra phát biểu lời chào các vị khách quý, giới thiệu ngắn gọn về hệ thống truyền hình và tầm quan trọng của nó trong công tác đào tạo của trường. Sau đó là tiết mục văn nghệ nhỏ gồm đơn ca, tốp ca, có nhạc đệm, ngâm thơ, tiết mục “cây nhà lá vườn”, ngắn nhưng cũng không tồi.
Các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị lúc đó đều đã lần lượt tới xem. Riêng Bác Hồ không đến (có thể vì năm đó sức khỏe Bác đã kém), nhưng Bác đã có lời khen và cho ý kiến chỉ đạo mà Văn phòng Phủ Thủ tướng (nay là Văn phòng Chính phủ) chuyển đến cho Lãnh đạo nhà trường. Đại ý Bác nói là: Bác bận không tới xem được, nhưng bác rất khen ngợi các cháu, về phần lãnh đạo nhà trường, đối với những cháu đã làm ra được hệ thống thử nghiệm thì cho ra nước ngoài học thêm để về giảng dạy cho nhiều người khác. Bộ Tài chính lo cho trường một khoản ngoại tệ mạnh để đi mua thiết bị về thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu truyền hình, đừng bắt các cháu phải mầy mò nghiên cứu lại từ A đến Z.
Chỉ thị này của Bác được chấp hành ngay sau đó: Bộ Tài chính cấp cho Trường một số ngoại tệ mạnh để mua thiết bị của Nhật Bản. Đây là điều mà lúc đó chưa một ai dám mơ tưởng tới. Hoàng Ninh được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Hungari, mấy năm sau trở về với tấm bằng tiến sĩ loại xuất sắc và sau này được bố nhiệm làm chủ nhiệm khoa Vô tuyến điện.
Điều mà những nhà nghiên cứu, nhất là những người biết đến câu chuyện này trân trọng nhất là lời Bác dặn: “đừng bắt các cháu phải mầy mò nghiên cứu lại từ A đến Z”. Đó chính là “nguyên tắc kế thừa”, một nguyên tắc vàng trong nghiên cứu khoa học.
III. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối vói cán bộ, viên chức Viện ứng dụng Công nghệ
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới hiện nay, bên cạnh mặt tích cực là được tiếp cận với những kho tàng kiến thức khoa học, công nghệ mới, cách quản lý kinh tế xã hội hiện đại của các nước tiên tiến; kết nối với mạng thông tin toàn cầu, thì đồng thời những mặt tiêu cực như: tính ích kỷ, sống tự do, sống vì tiền, cá lớn nuốt cá bé, quan niệm có tiền là có tất cả..., cũng đã xâm nhập rất nhanh và có sức lôi kéo mãnh liệt, cuốn nhiều người vào vòng xoáy tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; làm băng hoại thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của dân tộc ta, làm biến chất một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, gây mất lòng tin của nhân dân với Đảng và bộ máy quản lý Nhà nước. Vì vậy, chúng ta cần phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và giữ gìn đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng. Bởi đó mãi mãi là yếu tố cốt lõi, là tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu trong tiêu chuẩn của người cán bộ, công chức, viên chức.
Việc xây dựng các chuẩn mực về tư cách đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ, công chức, viên chức là rất quan trọng. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của của cán bộ, công chức, viên chức Viện ứng dụng Công nghệ cần phải được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thể hiện sự thấm nhuần tinh thần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và những người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu; phát huy truyền thống xây dựng và phát triển của Viện và căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đây là những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản và toàn diện về phẩm chất nghề nghiệp của người cán bộ nghiên cứu, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm hoạt động của Viện, được quán triệt và thực hiện thống nhất đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong Viện.
Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thể hiện lòng trung thành, sự phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức Viện ứng dụng Công nghệ đối với mục tiêu xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN gắn liền với đặc trưng nhiệm vụ của Viện; về thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức của Viện; về phẩm chất đạo đức đối với đồng nghiệp và bản thân mà cán bộ, công chức, viên chức của Viện cần nêu gương thực hiện. Đó là:
- Với Tổ quốc - Trung thành, phấn đấu vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
- Với công tác nghiên cứu - Trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, phụng công, trung thực, chí công vô tư.
- Với đồng nghiệp - Đoàn kết, thân ái, hợp tác, cùng tiến bộ.
- Với bản thân - Thực hiện tốt và nêu gương cần, kiệm, liêm, chính.
Các giải pháp thực hiện:
- Xây dựng và thực hiện tuyên truyền, phổ biến các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ ngành KH&CN nói chung, cán bộ Viện ứng dụng Công nghệ nói riêng.
- Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong các đơn vị, tổ chức đoàn thể của Viện để tất cả mọi đối tượng có thể tham gia, đóng góp ý kiến về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả.
- Định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả đạt được.