BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thực hiện dân chủ về kinh tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới

20/10/2015 14:42

1.     Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện dân chủ trong kinh tế

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, việc kiến thiết nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta “có bốn vấn đề chú ý đến; cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”(1). Để dân chủ, dân làm chủ trên thực tế cần phải có những cơ sở, điều kiện, môi trường và không gian dân chủ tương ứng. Nói riêng về thực hiện dân chủ XHCN trong kinh tế ở nước ta, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải: 

Một là, tôn trọng, bảo đảm phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều loại hình sở hữu tư liệu sản xuất khác nhau, trong đó, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong chế độ dân chủ mới có năm loại kinh tế khác nhau: kinh tế quốc doanh; các hợp tác xã; kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ; tư bản tư nhân; tư bản nhà nước(2). Có những hình thức sở hữu tư liệu sản xuất cơ bản như: sở hữu nhà nước (toàn dân); sở hữu của hợp tác xã (tập thể nhân dân lao động); sở hữu của những người lao động riêng lẻ; sở hữu của nhà tư bản(3). Trong đó, “kinh tế quốc doanh lãnh đạo nền kinh tế quốc dân và nhà nước phải đảm bảo cho nó phát triển ưu tiên để tạo nền tảng vật chất cho CNXH và thúc đẩy việc cải tạo XHCN”(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Chế độ kinh tế xã hội của chúng ta nhằm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, trên cơ sở kinh tế XHCN ngày càng phát triển, cách bóc lột tư bản chủ nghĩa được xoá bỏ dần, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện. Do đó, nhân dân ta có điều kiện thực sự tham gia quản lý nhà nước”(5). Và như thế, nhân dân ta, “từ làm chủ tư liệu sản xuất, họ phải được làm chủ việc quản lý kinh tế, làm chủ việc phân phối sản phẩm lao động”(6).

Hai là, chú trọng tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế để thoát đói nghèo và vươn lên giàu có. Xây dựng nền kinh tế XHCN với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến, nòng cốt là kinh tế quốc doanh và kinh tế hợp tác. Không ngừng cải thiện đời sống nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh dân chủ XHCN là làm cho nhân dân thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn, việc làm, được ấm no và sống cuộc đời hạnh phúc. Người nhấn mạnh, cùng với thực hành tiết kiệm, tăng gia sản xuất, là hai việc cần thiết nhất để phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên CNXH(7). Phải giải phóng sức sản xuất, phát triển sản xuất, trong đó chú ý tăng cường các hình thức hợp tác phù hợp để mang lại no đủ, giàu có, thịnh vượng, công bằng, tiến bộ, hạnh phúc cho đa số nhân dân lao động.

Ba là, về mặt tổ chức, quản lý kinh tế, quản lý sản xuất phải có kế hoạch thống nhất, dân chủ và hợp lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là kế hoạch dân chủ, nghĩa là từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, nghĩa là Chính phủ trung ương có kế hoạch cho toàn quốc, địa phương căn cứ vào kế hoạch toàn quốc mà đặt kế hoạch thích hợp với địa phương, cho đến mỗi ngành, mỗi gia đình, mỗi người có kế hoạch riêng của mình, ăn khớp với kế hoạch chung”(8). Cán bộ phải biết lao động và phải tham gia lao động; người lao động phải biết quản lý và tham gia quản lý.

Bốn là, thực hiện nguyên tắc phân phối công bằng, hợp lý “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, những người già yếu, tàn tật sẽ được nhà nước giúp đỡ chăm nom”(9). Các quan hệ lợi ích phải được giải quyết hài hòa, cá nhân và tập thể, nhà nước và nhân dân… phải đều có lợi.

2. Quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ trong  kinh tế ở nước ta

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986), khi phân tích về tình trạng buông lỏng trong quản lý kinh tế xã hội, tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, dân chủ biến thành vô chủ, dân chủ hình thức... đã cho rằng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ. Để khắc phục khuyết điểm, xoay chuyển tình hình, Đảng phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, trong đó có đổi mới tư duy, nhận thức về vấn đề xây dựng các điều kiện để thực hiện dân chủ XHCN trên các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Muốn vậy, “phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh…”(10), trong đó có tư tưởng, lý luận về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN.

Trên cơ sở lý luận dân chủ của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội VI đặt vấn đề giải phóng sức sản xuất; bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh cơ cấu đầu tư; xây dựng, hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; khẳng định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xóa bỏ những thành kiến thiên lệch trong đánh giá, đối xử với người lao động thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Đảng đưa ra chủ trương: đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trên cơ sở đổi mới cơ cấu kinh tế, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần và chuyển sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa; kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế quản lý có kế hoạch theo phương thức hạch toán kinh doanh XHCN... Theo đó, “cần sửa đổi, bổ sung và công bố rộng rãi chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế. Những quy định có tính nguyên tắc phải trở thành pháp luật để mọi người yên tâm, mạnh dạn kinh doanh”(11). Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3/1989) khẳng định: “chính sách kinh tế nhiều thành phần có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên CNXH và thể hiện tinh thần dân chủ về kinh tế, bảo đảm cho mọi người được tự do làm ăn theo luật pháp”(12).

Sau 5 năm đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) khẳng định sản xuất hàng hóa là thành tựu phát triển của văn minh nhân loại, nó không những không đối lập với CNXH mà còn tất yếu cần thiết với công cuộc xây dựng CNXH. Đại hội khẳng định: “chúng ta chủ trương thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN(13).

Với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa X (01/2008) Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhận thức lý luận của Đảng về cơ sở, điều kiện kinh tế của dân chủ XHCN có những bước tiến mới, mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Đảng ta nhấn mạnh: tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất; nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước bằng sự đồng bộ của hệ thống pháp luật...

Tổng kết 25 năm đổi mới, văn kiện Đại hội XI tiếp tục bổ sung, điều chỉnh nhận thức về cơ sở, điều kiện kinh tế của dân chủ XHCN ở Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là: đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, tiếp tục tạo nền tảng cho một nước công nghiệp và nâng cao khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế; phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn; phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; phát triển kinh tế - xã hội hài hòa giữa các vùng, đô thị và nông thôn…

Trong gần 30 năm đổi mới, Đảng ta đã hình thành một hệ thống quan điểm lý luận mới về xây dựng điều kiện kinh tế để thực hiện dân chủ XHCN trong lĩnh vực kinh tế của đất nước. Đó là, phát triển lực lượng sản xuất hiện đại thông qua đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; thiết lập quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp bằng cách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là cơ sở, điều kiện, nền tảng kinh tế, là cơ chế, phương thức cơ bản và là con đường tất yếu để thực hiện dân chủ XHCN về kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Đây chính là sự trở về, tiếp tục, vận dụngphát triển lý luận dân chủ của chủ nghĩa Mác-Lênin (nhất là Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin) và tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện mới ở Việt Nam. Đây được xem là sáng tạo lý luận quan trọng có ý nghĩa thực tiễn to lớn, sâu sắc của Đảng ta trong tiến trình đổi mới.

3. Xây dựng điều kiện kinh tế và thực hiện dân chủ trong kinh tế ở nước ta thời kỳ đổi mới

Trong 30 đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc xây dựng điều kiện kinh tế để thực hiện dân chủ XHCN trong lĩnh vực kinh tế ở nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật. Đó là:

Một là, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng đầy đủ, tạo ra môi trường kinh tế, pháp lý thuận lợi: thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu của tất cả mọi người và quyền tự do sản xuất kinh doanh; chống độc quyền, dỡ bỏ rào cản và những phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, bảo đảm cho các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật. Sự dân chủ, bình đẳng này đã tạo ra động lực vật chất, kinh tế thúc đẩy các chủ thể kinh tế khai thác và phát huy mọi tiềm năng phát triển kinh tế của mình. Điều đó cho thấy, Nhà nước ngày càng làm tốt hơn vai trò, chức năng kiến tạo phát triển thông qua việc không ngừng hoàn thiện chính sách và khuôn khổ thể chế.

Hai là, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thừa nhận, tôn trọng nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, nhiều hình thức phân phối chính là thừa nhận và tôn trọng tính đa dạng về lợi ích của các giai cấp, tầng lớp, các tập đoàn, nhóm và cá nhân người lao động trong xã hội. Theo đó, tiến trình đổi mới đã dần làm cho quyền tự do, tự chủ trong sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tập thể lao động, các đơn vị kinh tế, các doanh nghiệp được thực hiện ngày càng tốt hơn. Các chủ thể kinh tế được giải phóng khỏi sự ràng buộc của các cơ chế không hợp lý, phát huy được quyền làm chủ và tính năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, trong hội nhập kinh tế quốc tế. Người dân có điều kiện tạo việc làm, tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, lựa chọn cơ hội học tập, lập nghiệp. Nhờ đó, đã kích thích mạnh mẽ việc đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tạo ra động lực to lớn để mọi người sáng tạo và phát triển kinh tế vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Hơn nữa, kinh tế thị trường với cơ chế cạnh tranh phân hóa, sàng lọc nghiêm ngặt về năng lực, trình độ nên đã từng bước hình thành những người sản xuất kinh doanh, những người lao động linh hoạt, năng động, tự chủ, có trách nhiệm cao với bản thân, với công việc, với đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Đó cũng là phẩm chất cần có của con người trong một nền sản xuất công nghiệp hiện đại và một xã hội dân chủ, văn minh.

Ba là, quá trình dân chủ hóa đời sống kinh tế đã nhanh chóng đưa nền kinh tế của đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng và đến nay đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, vươn lên nhóm nước có mức thu nhập trung bình; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; sức mạnh tổng hợp của quốc gia được tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển. Như vậỵ với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, 30 năm qua chúng ta đã thực sự giải phóng sức sản xuất, phát huy được tính năng động, tích cực của mọi thành phần kinh tế, mọi người được tự do, tự chủ sản xuất, kinh doanh. Người dân được tự do, dân chủ, bình đẳng hơn trong việc làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần làm giàu cho đất nước, xã hội. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là “sân chơi” dân chủ, bình đẳng cho mọi người, mọi nhà, mọi thành phần, mọi chủ thể kinh tế phù hợp với điều kiện đất nước và xu hướng vận động phát triển tiến bộ của thế giới.

Tuy nhiên, trong 30 năm qua, việc tạo lập cơ sở, điều kiện kinh tế và thực hiện dân chủ XHCN về kinh tế ở nước ta vẫn còn không ít hạn chế và nảy sinh những vấn đề phức tạp cần giải quyết. Đó là:

- Thể chế kinh tế thị trường gồm cả hệ thống pháp luật và các chính sách của Nhà nước còn thiếu đồng bộ, nhất quán, có những điểm chưa phù hợp, nên cản trở hoặc ảnh hưởng xấu đến sự vận hành của nền kinh tế theo định hướng XHCN. Việc triển khai, thực thi đường lối, chính sách kinh tế có biểu hiện thiếu dân chủ, bất bình đẳng trong đối xử với các chủ thể kinh tế, các thành phần kinh tế về thuế, vay vốn, lãi suất cho vay, về thủ tục xuất nhập khẩu. Điều này ít nhiều tạo nên môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, động lực đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế bị tổn thương. Vì vậy mà nhiều nguồn lực, tiềm năng về vật chất và tinh thần để phát triển kinh tế còn dồi dào trong các tầng lớp nhân dân chưa được khai thác, phát huy một cách hiệu quả.

- Việc đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế. Vai trò chủ đạo, nền tảng của những thành phần kinh tế này trong nền kinh tế quốc dân chưa được thể hiện rõ nét. Tốc độ tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với sự đầu tư, ưu đãi của Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân. Kinh tế tập thể, nhất là trong khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, lúng túng, trong khi sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với loại hình kinh tế này vẫn chưa được đầu tư đúng mức còn nặng về khẩu hiệu.

- Công tác quản lý nhà nước về kinh tế còn nhiều khuyết điểm. Tình trạng quan liêu, quản lý lỏng lẻo, gây thất thoát, lãng phí ở nhiều công trình, nhiều cơ quan, nhiều địa phương nhưng chưa được xử lý nghiêm, thiếu khách quan, thiếu trách nhiệm. Việc tích tụ ruộng đất, đô thị hoá, công nghiệp hoá ở nhiều nơi không được tiến hành bài bản, không thật sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất kiến nghị chính đáng của nhân dân nên đã gây thất thoát, lãng phí nhiều tài nguyên đất đai màu mỡ khiến nhân dân bất bình, lo lắng. Đặc biệt, việc thu hồi, đền bù đất, tái định cư ở nhiều nơi thực hiện thiếu dân chủ, không công bằng, không bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài của nhân dân nên đã gây bất bình, bức xúc, mất lòng tin của nhân dân. Một bộ phận nhân dân, chủ yếu là nông dân, do tình trạng công nghiệp hoá thiếu kế hoạch nên không còn tư liệu sản xuất, không có việc làm ổn định. Thất nghiệp, việc làm không ổn định ở đô thị, thiếu việc làm ở nông thôn vẫn ở mức cao.

- Tăng trưởng của nền kinh tế vẫn ở mức dưới tiềm năng, hiệu quả và chất lượng tăng trưởng thấp, chưa bền vững, năng suất thấp và chất lượng sản phẩm chưa tốt, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hoá chưa cao. Tính tự phát, tuỳ tiện trong sản xuất, kinh doanh vẫn còn khá phổ biến. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, còn phân tán và lãng phí. Mức sống của nhân dân, nhất là nông dân ở một số địa phương, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn quá thấp. Chính sách tiền lương và phân phối thu nhập trong xã hội còn nhiều bất hợp lý. Một bố phận nông dân, công nhân chưa được thụ hưởng một cách tương xứng với sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế đất nước. Trong xã hội xuất hiện không ít người giàu lên bằng con đường làm ăn phi pháp. Hiện tượng lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng vẫn là vấn đề nhức nhối. Hiện tượng sản xuất vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh vẫn diễn biến phức tạp gây tổn hại cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, đến sự lành mạnh của nền kinh tế và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

4. Một số giải pháp nhằm thực hiện phát triển kinh tế theo tư tưởng Hồ Chủ tịch

Một là, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN phù hợp với điều kiện mới của đất nước và tình hình thế giới. Theo đó, cần nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt quan điểm dân là chủ, dân làm chủ; việc có lợi cho dân phải hết sức làm, việc có hại đến dân phải hết sức tránh; thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn; dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, động lực của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng XHCN; bảo đảm dân chủ trong kinh tế gắn liền với dân chủ trong chính trị, văn hóa, xã hội; xây dựng điều kiện kinh tế đồng bộ, hài hòa với các điều kiện về chính trị, văn hóa, xã hội của nền dân chủ XHCN; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn liền với xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và nền văn hóa XHCN tiên tiến đậm đà bản sắc Việt Nam.

Hai là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước phải làm tốt vai trò kiến tạo phát triển thông qua hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp. Trong đó, bảo đảm: 1) Giải quyết hài hòa các quan hệ về lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế của các thành phần kinh tế, các giai cấp, tầng lớp xã hội, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa chủ và thợ, giữa lợi ích của công nhân, nông dân, trí thức, doanh nghiệp và lợi ích của nhà nước, lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích quốc gia và quốc tế; 2) Kinh tế nhà nước thực sự “giữ những vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và chấp hành pháp luật”(14); 3) Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật; trong đó, cần đa dạng hóa các hình thức hợp tác phù hợp để gia tăng sản xuất, phát triển sản xuất nhằm mang lại no đủ, giàu có, thịnh vượng, công bằng, tiến bộ, hạnh phúc cho đa số nhân dân lao động; 4) Các tổ chức xã hội có điều kiện hợp tác, hỗ trợ nhà nước, khi cần thiết có thể đấu tranh với các thế lực tự phát của thị trường để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…

Ba là, tiếp tục tập trung đầu tư nghiên cứu bổ sung, phát triển, làm sáng tỏ về nhận thức lý luận, hoàn thiện về mặt thể chế và quyết liệt, đồng bộ trong tổ chức thực thi để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là những vấn đề hệ trọng của quốc gia nên việc tìm kiếm phương án tối ưu cũng như việc thực thi các phương án đó nhất thiết phải huy động được sức mạnh tinh thần và vật chất của toàn dân tộc. Không thể thực hiện thành công việc tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để hướng đến tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững thực sự chỉ dựa vào tài năng, trí tuệ, tâm huyết của một số ít người và nếu chỉ bảo đảm lợi ích của một số nhóm người nào đó. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói đại ý rằng: Trong một nước dân chủ thì ai ai cũng có quyền thảo luận, tranh luận để cùng nhau tìm ra chân lý. Khi chân lý đã tìm thấy rồi thì quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý; và, chân lý thì rất giản dị, đó là tất cả những gì ích quốc, lợi dân(15). Dân ở đây là tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, trong đó công, nông, trí thức là những bộ phận cơ bản, là gốc, nền tảng của nền dân chủ XHCN. Bên cạnh đó, cần bảo đảm những điều kiện tốt nhất trong nghiên cứu lý luận, trong đổi mới tư duy về kinh tế; bảo đảm dân chủ trong xây dựng và thực thi chính sách, thể chế kinh tế vừa là mục tiêu, nhiệm vụ vừa là phương thức, động lực và là giải pháp chiến lược cho vấn đề tạo lập cơ sở kinh tế để thực hiện dân chủ XHCN trong lĩnh vực kinh tế ở nước ta hiện nay.

 

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Văn học, H.1981, tr 517.

(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2000, tr.279.

(3), (4), (5), (9) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H.2000, tr.588; tr.590; tr.592; tr.75.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, tr 568.

(7), (10), (11), (17) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 8, Sđ d, tr 349; tr.341; tr.545; tr.216.

(8) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 6, Sđ d, tr.434.

(10), (11), (14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb CTQG, H.2005, tr.133; tr.63; tr.721.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 49, Nxb CTQG, H.2010, tr.595.

(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, Nxb CTQG, H.2010, tr.19.

ThS. Nguyễn Anh Tuấn

Trường Đại học Tây Nguyên 

Tìm kiếm