TP. Hải Phòng: Phương án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025

18/11/2024 22:35

TP. Hải Phòng có 04/15 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và 101/217 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, thành lập trong 03 Đề án sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Cầu Hoàng Văn Thụ hơn 2.000 tỷ ở TP. Hải Phòng được thiết kế hình cánh chim biển. Ảnh: Hồng Phong. Nguồn: haiphong.gov.vn

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng và của Bộ Nội vụ, ngày 04/10/2024, Chính phủ có Tờ trình số 596/TTr-CP thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP. Hải Phòng. Cụ thể:

Đối với ĐVHC cấp huyện: TP. Hải Phòng thực hiện sắp xếp 04 ĐVHC cấp huyện (diện khuyến khích) để hình thành 04 ĐVHC cấp huyện mới (thành phố Thủy Nguyên và 03 quận An Dương, Hồng Bàng, Hải An).

Đối với ĐVHC cấp xã (bao gồm cả các ĐVHC cấp xã thuộc 02 huyện Thủy Nguyên, An Dương và 02 quận Hồng Bàng, Hải An): 

Thứ nhất, số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp: 49 đơn vị (19 xã, 26 phường, 04 thị trấn). Giai đoạn 2023 - 2025, TP. Hải Phòng có 83 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, gồm 54 xã, 27 phường và 02 thị trấn (trong đó có 41 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 29 đơn vị thuộc diện khuyến khích, 13 đơn vị liền kề). Đồng thời, thành phố còn đề nghị thành lập TP. Thủy Nguyên, quận An Dương và 18 phường thuộc TP. Thủy Nguyên, quận An Dương, quận Hồng Bàng . Theo đó, TP. Hải Phòng có 04/15 ĐVHC cấp huyện và 101/217 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, thành lập trong 03 Đề án sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Về phương án sắp xếp, thành lập 04 ĐVHC cấp huyện và sắp xếp, thành lập 101 ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP. Hải Phòng

Một là, phương án điều chỉnh địa giới hành chính quận Hải An và huyện Thủy Nguyên; sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp xã và thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc TP. Hải Phòng: Huyện Thủy Nguyên (sau khi điều chỉnh địa giới) có 269,10km2, 397.570 người và 37 ĐVHC cấp xã (35 xã, 02 thị trấn). Quận Hải An (mới) có 97,64km2 (không thay đổi quy mô dân số và số phường trực thuộc); phường Đông Hải (mới) có 2,62km2 (không thay đổi quy mô dân số).

Thành lập TP. Thủy Nguyên trên cơ sở huyện Thủy Nguyên (sau khi điều chỉnh địa giới). Đồng thời, UBND TP. Hải Phòng xây dựng 21 phương án thành lập, sắp xếp đối với 37 ĐVHC cấp xã thuộc TP. Thủy Nguyên và 01 ĐVHC cấp xã thuộc quận Hải An, gồm: 08 phương án thành lập phường trên cơ sở 08 xã; 01 phương án thành lập phường trên cơ sở 01 thị trấn; 06 phương án nhập 02 xã để thành lập 01 phường mới; 01 phương án nhập 02 xã và 01 thị trấn để thành lập 01 phường mới; 01 phương án nhập 02 xã để thành lập 01 xã mới; 03 phương án nhập 03 xã để thành lập 01 xã mới và 01 phương án sắp xếp, điều chỉnh địa giới 02 xã thuộc huyện Thủy Nguyên và một phần (7,27km2, không có dân cư) của phường Đông Hải 1 thuộc quận Hải An để thành lập 02 phường mới. 

Sau khi thực hiện 21 phương án nêu trên thì thành phố Thủy Nguyên giảm 16 đơn vị: từ 37 đơn vị (35 xã, 02 thị trấn) còn 21 đơn vị (17 phường, 04 xã); quận Hải An không thay đổi số lượng ĐVHC cấp xã.

Hai là, Phương án sắp xếp, thành lập quận An Dương, mở rộng quận Hồng Bàng và thành lập các phường thuộc quận An Dương, quận Hồng Bàng. Cụ thể:

Quận Hồng Bàng mở rộng (sau khi điều chỉnh địa giới) có 39,77km2; 177.820 người và 12 ĐVHC cấp xã (09 phường, 03 xã). Huyện An Dương (sau khi điều chỉnh địa giới) có 78,96km2; 176.463 người và 13 ĐVHC cấp xã (12 xã, 01 thị trấn).

Đồng thời, thành lập quận An Dương trên cơ sở huyện An Dương (sau khi điều chỉnh địa giới). UBND TP. Hải Phòng xây dựng 09 phương án sắp xếp, thành lập đối với 13 ĐVHC cấp xã thuộc huyện An Dương (sau khi điều chỉnh địa giới), gồm: 06 phương án thành lập phường trên cơ sở nguyên trạng xã; 01 phương án nhập 01 xã và 01 thị trấn để thành lập 01 phường mới; 01 phương án nhập 02 xã để thành lập 01 phường mới và 01 phương án sắp xếp, điều chỉnh địa giới 03 xã để thành lập 02 phường mới.

Sau khi thực hiện 09 phương án nêu trên quận An Dương giảm 03 ĐVHC cấp xã, từ 13 đơn vị (12 xã, 01 thị trấn) còn 10 phường.

Về sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp xã thuộc quận Hồng Bàng mở rộng: UBND TP. Hải Phòng xây dựng 04 phương án thành lập, sắp xếp 06/12 ĐVHC cấp xã thuộc quận Hồng Bàng mở rộng, gồm: 03 phương án thành lập phường trên cơ sở nguyên trạng xã và 01 phương án nhập 03 phường thành 01 phường mới.

Sau khi thực hiện 04 phương án nêu trên quận Hồng Bàng mở rộng giảm 02 đơn vị (tăng 01 phường, giảm 03 xã), từ 12 đơn vị (09 phường, 03 xã) còn 10 phường.

Ba là, phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc 06 quận, huyện còn lại (ngoài 57 ĐVHC cấp xã thuộc TP. Thủy Nguyên mới, quận An Dương mới, quận Hải An mới và quận Hồng Bàng mở rộng thực hiện sắp xếp nêu trên), UBND TP. Hải Phòng xây dựng 15 phương án sắp xếp 44/106 ĐVHC cấp xã của 06 ĐVHC cấp huyện, gồm: 07 phương án nhập 03 xã thành 01 xã mới; 07 phương án nhập 03 phường thành 01 phường mới và 01 phương án nhập 02 phường thành 01 phường mới.

Như vậy, sau khi thực hiện 15 phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã của 06 ĐVHC cấp huyện nêu trên để hình thành 15 ĐVHC cấp xã mới (7 xã, 08 phường), giảm 29 ĐVHC cấp xã (14 xã, 15 phường).

Kết quả sau sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025

TP. Hải Phòng không thay đổi số lượng ĐVHC cấp huyện (15 đơn vị), nhưng có tăng 01 thành phố, 01 quận và giảm 02 huyện; giảm 50 ĐVHC cấp xã (tăng 13 phường, giảm 03 thị trấn và giảm 60 xã), từ 217 ĐVHC cấp xã (141 xã, 66 phường, 10 thị trấn) còn 167 ĐVHC cấp xã (81 xã, 79 phường, 07 thị trấn).

Về đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với 01 huyện và 08 ĐVHC cấp xã (02 xã, 04 phường, 02 thị trấn) do có yếu tố đặc thù

Thứ nhất, đối với huyện Bạch Long Vĩ là huyện đảo đặc thù, có vị trí biệt lập, nằm ở Vịnh Bắc Bộ, cách đất liền khoảng 110km (giao thông đi lại bằng tàu thủy). Theo đó, TP. Hải Phòng đề nghị không thực hiện sắp xếp huyện Bạch Long Vĩ thuộc quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.

Thứ hai, đối với 08 ĐVHC cấp xã thuộc 06 quận, huyện (bao gồm: Phường Minh Khai (quận Hồng Bàng); phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền); phường Cát Bi (quận Hải An); phường Ngọc Sơn (quận Kiến An); thị trấn An Lão (huyện An Lão), thị trấn Núi Đối, xã Thanh Sơn và xã Du Lễ (huyện Kiến Thụy)): TP. Hải Phòng đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù thuộc quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.

Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp, thành lập

Một là, đối với TP. Thủy Nguyên và quận An Dương: Giữ nguyên trạng tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị của huyện Thủy Nguyên (cũ) và huyện An Dương (cũ).

Hai là, đối với 51 ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp:

Đối với các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của 51 ĐVHC cấp xã (mới): Việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị này thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành (không có vướng mắc).

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: (1) Giữ nguyên trạng các cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) để đảm bảo đủ cơ sở vật chất trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn; (2) Nhập các Trạm y tế của các ĐVHC (cũ) để thành lập Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (mới), nhưng vẫn giữ các điểm trạm (Trạm y tế cũ) sử dụng làm cơ sở hoạt động các chương trình y tế cộng đồng thuộc Trạm y tế cấp xã (mới) để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.

Về bố trí, giải quyết cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã

Thứ nhất, đối với 04 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp: Giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức, viên chức (không có dôi dư).

Thứ hai, đối với 101 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp.

Trong đó có, 18 phường mới thành lập trên cơ sở xã, thị trấn: Giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức, viên chức (không có dôi dư).

Còn đối với 83 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp: Tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách (viên chức không dôi dư) hiện có 2.278 người (825 cán bộ, 719 công chức, 734 người hoạt động không chuyên trách); dự kiến bố trí tại 33 ĐVHC cấp xã (mới) là 1.131 người (376 cán bộ, 328 công chức, 427 người hoạt động không chuyên trách); số dôi dư là 1.147 người (449 cán bộ, 391 công chức, 307 người hoạt động không chuyên trách). UBND TP. Hải Phòng đã xây dựng phương án chi tiết, bảo đảm đến năm 2029 (sau 5 năm) sẽ giải quyết dứt diểm đối với 1.147 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư.

Thứ ba, về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp: Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định, HĐND TP. Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối tượng tinh giản biên chế, đối tượng tự nguyện nghỉ công tác trước tuổi tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố.

Về bố trí, giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp và kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của TP. Hải Phòng

Thứ nhất, đối với trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị của TP. Thủy Nguyên và quận An Dương: Tiếp tục sử dụng trụ sở, tài sản công hiện hữu.

Thứ hai, đối với trụ sở, tài sản công của 101 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, thành lập:

Tiếp tục sử dụng trụ sở, tài sản công hiện hữu (không có dôi dư) đối với 18 phường mới thành lập trên cơ sở xã, thị trấn.

Tổng số trụ sở công tại 83 ĐVHC cấp xã còn lại là 456 trụ sở (Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công an, Ban Chỉ huy quân sự, Trạm y tế, Nhà văn hóa); sau sắp xếp tiếp tục sử dụng 453 trụ sở, dôi dư 03 trụ sở.

Tổng số tài sản công tại 83 ĐVHC cấp xã còn lại là 2.537 tài sản công; sau sắp xếp tiếp tục sử dụng 2.355 tài sản công, dôi dư 182 tài sản công. UBND TP. Hải Phòng đã có phương án giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của thành phố sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Về chính sách đặc thù của 101 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp xã của TP. Hải Phòng

Hiện trạng chính sách đặc thù áp dụng đối với 101 ĐVHC cấp xã, gồm: 19 ĐVHC cấp xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

UBND TP. Hải Phòng đã dự kiến lộ trình và giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan rà soát, lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận ĐVHC cấp xã sau sắp xếp là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng quy định.

* Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP. Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025.

Ngoài các nội dung thống nhất tại Tờ trình số 596/TTr-CP của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn quyết nghị thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện của TP. Hải Phòng. Cụ thể:

Thành lập Tòa án nhân dân TP. Thủy Nguyên trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.

Thành lập Viện Kiểm sát nhân dân TP. Thủy Nguyên trên cơ sở kế thừa Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.

Thành lập Tòa án nhân dân quận An Dương trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện An Dương, TP. Hải Phòng.

Thành lập Viện Kiểm sát nhân dân quận An Dương trên cơ sở kế thừa Viện Kiểm sát nhân dân huyện An Dương, TP. Hải Phòng.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ có liên quan và chính quyền TP. Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp phù hợp đối với các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp mà chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025, xác định lộ trình hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện sắp xếp trong những năm tiếp theo theo đúng quy định.

Mời xem toàn văn Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 tại FILE đính kèm:

Anh Cao