Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà và các Thứ trưởng Bộ Nội vụ điều hành Hội nghị
Dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng: Vũ Chiến Thắng, Trương Hải Long, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Văn Hồi, Nguyễn Mạnh Khương; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện Đảng ủy Bộ, các đồng chí chuyên viên giữ ngạch chuyên viên cao cấp của Bộ; lãnh đạo Sở Nội vụ và công chức liên quan của 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc hội nghị
Trong không gian nội bộ của ngành Nội vụ, phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cùng các đồng chí Thứ trưởng và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ vui mừng và chào đón các đồng chí lãnh đạo của 34 Sở Nội vụ sau khi thực hiện sắp xếp chính quyền địa phương 02 cấp. Đây là Hội nghị rất đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau khi hợp nhất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ từ ngày 01/3/2025, sau khi Chính quyền địa phương 02 cấp đi vào vận hành từ 01/7/2027 và trong không khí toàn ngành chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống Bộ Nội vụ (28/8/1945 – 28/8/2025), Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ và Ngành Nội vụ là tâm điểm của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, với vai trò nòng cốt tham mưu, đề xuất và trực tiếp gánh vác sứ mệnh lịch sử chưa từng có tiền lệ
6 tháng đầu năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động rất động rất nhanh, mạnh, khác biệt, bất định, bất ổn, bất thường và bất an trên nhiều phương diện, cả hệ thống chính trị và toàn dân ta đã vượt lên tất cả mọi thách thức, bất lợi tạo nên sự chuyển mình mạnh mẽ và thay đổi to lớn với bước ngoặt lịch sử, dấu ấn sâu sắc với những thành tựu nổi bật trên mọi lĩnh vực, nổi bật nhất là: (1) Kinh tế có bước tăng trưởng cao nhất trong 02 thập kỷ trở lại đây, 06 tháng đầu năm đạt 7,31%; (2) 03 đột phá chiến lược và 04 Nghị quyết trụ cột được Bộ Chính trị ban hành và triển khai nhanh chóng, thần tốc bước đầu đã phát huy hiệu quả rõ rệt; (3) cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính các xấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, triết lý phát triển nhanh, bền vững với phương châm: đồng bộ, toàn dân, toàn diện, triệt để, thần tốc, táo bạo, hiệu quả.
Bộ trưởng nhấn mạnh, “Bộ và Ngành Nội vụ là tâm điểm của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, với vai trò nòng cốt tham mưu, đề xuất và trực tiếp gánh vác sứ mệnh lịch sử chưa từng có tiền lệ”, vừa chạy, vừa xếp hàng, đòi hỏi tham mưu thực hiện ngay ngắn, thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, nhiều chiều, bài bản, đồng bộ nhưng nhất quán, toàn diện. Với sự lãnh đạo sâu sát, khoa học, cụ thể của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm chính trị và đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự thống nhất, đồng thuận của người dân, Bộ và Ngành Nội vụ cả nước đã tham mưu thực hiện với nhiều kết quả nổi bật, tạo dấu ấn mạnh mẽ, góp phần rất quan trọng vào sự thành công bước đầu của cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc về tổ chức bộ máy từ khi thành lập nước đến nay. Trong đó có các mặt công tác tiêu biểu:
Một là, hoàn thành khối lượng công việc lớn tham mưu Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương, đường lối; về thể chế, chính sách làm cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện. Các văn bản pháp luật đã thể hiện tư duy đổi mới, kiến tạo mạnh mẽ, đồng bộ và hợp lý.
Hai là, tham mưu triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, tập trung giảm đầu mối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, tinh gọn số lượng lớn cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương và đi vào vận hành đồng bộ từ 01/3/2025.
Ba là, tham mưu hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp với mục tiêu: gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, cơ bản đi vào hoạt động ổn định, bước đầu đạt yêu cầu sau 01 tháng vận hành.
Bốn là, chủ trì phối hợp bộ, ngành tham mưu phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền cho chính quyền địa phương
Năm là, hướng dẫn sắp xếp tinh giản biên chế, cơ cấu lại và từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức gắn với chính sách giải quyết cán bộ, công chức, viên chức tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy một cách hợp lý, nhân văn.
Sáu là, đồng bộ hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ chính trị 06 tháng của năm trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và Ngành sau sắp xếp, hợp nhất ngành Nội vụ và Lao động - Thương binh và Xã hội, tạo sự đoàn kết, thống nhất, cùng chung sức phát huy giá trị truyển thống lịch sử văn hóa tốt đẹp của 02 ngành trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
Do nhiệm vụ chính trị đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Hội nghị tập trung trao đổi chuyên đề về sắp xếp, triển khai chính quyền địa phương 02 cấp, với 4 nhóm nội dung cơ bản gồm:
1. Phân tích và làm rõ những kinh nghiệm hay, bài học quý qua việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp từ địa phương, làm cơ sở thực tiễn khái quát thành lý luận về tổ chức bộ máy trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.
2. Từ thực tiễn địa phương, nhận định những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc nhất trong vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, đề xuất phương án cần giải quyết sau sắp xếp, biện pháp tháo gỡ kịp thời, nhanh chóng hoặc có lộ trình hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho địa phương.
3. Các địa phương chia sẻ cách làm hay, chính sách nổi trội, hiệu quả trong tổ chức thực hiện và vận hành chính quyền hai cấp ở địa phương để các tỉnh có thể tham khảo, Bộ Nội vụ có thể tổng hợp kinh nghiệm và điều chỉnh thể chế, chính sách hợp lý, hiệu quả hơn.
4. Đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ để thực hiện thành công các nhiệm vụ trong 06 tháng còn lại rất nặng nề của ngành từ nay đến cuối năm 2025, chú trọng những vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách để ưu tiên thực hiện hiệu quả tổ chức chính quyền 02 cấp, cũng như một số nhiệm vụ liên quan để toàn ngành hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Bộ trưởng yêu cầu các đồng chính lãnh đạo Sở Nội vụ phát huy tinh thần trách nhiệm, phát biểu ngắn gọn, thẳng thắn, chất lượng, đề xuất kiến nghị xác đáng từ thực tiễn; lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ nghiên cứu các ý kiến, tiếp thu và trao đổi, giải đáp, chia sẻ những kiến nghị của các địa phương một cách cụ thể, rõ vấn đề, có chất lượng.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn ngành Nội vụ đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, chất lượng
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long trình bày báo cáo tóm tắt kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2025
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Nội vụ đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, phát huy tinh thần chủ động, tích cực gắn trách nhiệm người đứng đầu và thể chế hóa đến từng cá nhân trong việc tham mưu, thực hiện nhiệm vụ.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, tập trung, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Bộ đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; quyết liệt triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư,… đặc biệt đã tập trung tổng lực tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thành nhiều nhiệm vụ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương liên quan đến việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ làm cơ sở ban hành cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ và triển khai việc sắp xếp toàn diện ĐVHC các cấp gắn với tổ chức thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.
Công tác xây dựng thể chế, chính sách đã góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thiết lập cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương 02 cấp; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả (trong đó: trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 06 văn bản, đề án; trình Quốc hội thông qua 05 Luật và 06 Nghị quyết; trình UBTVQH thông qua 39 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 20 Nghị định, 14 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 62 Quyết định, 05 Công điện; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành 20 Thông tư).
Về tổ chức bộ máy và biên chế, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến nội dung sắp xếp, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của UBND các cấp; đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ có các văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đi vào hoạt động ổn định, kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn phát triển mới. Bộ cũng đã tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ triển khai việc thành lập và chỉ định nhân sự cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra của các Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Các bộ, ngành đã tham mưu trình Chính phủ ban hành 29 Nghị định về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền; ban hành 64 Thông tư để tiếp tục phân cấp, phân định thẩm quyền và hướng dẫn các nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp, tổ chức bộ máy ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, định hướng tạm thời bố trí biên chế khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Thực hiện Nghị định số 150/2025/NĐ-CP, các địa phương đã giảm 713 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và thành lập các phòng thuộc UBND cấp xã theo quy định.
Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp ĐVHC được các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương quan tâm, nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng để giải quyết theo quy định. Tính đến nay: 85.447 người đã có quyết định nghỉ việc; 77.278 người đã nghỉ việc (nghỉ hưu và nghỉ thôi việc); 20.417 người đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí; 53.831 người đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí (trong đó, số người đã được nhận tiền là 41.031 người, chiếm tỷ lệ 76,22%).
Về quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ đã tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chế độ công vụ, công chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả bằng các giải pháp cụ thể. Trong đó, đã tham mưu trình Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, công chức năm 2025, trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Hiện nay, đang tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Viên chức (sửa đổi).
Về xây dựng chính quyền địa phương, địa giới hành chính, Bộ đã tập trung thẩm định, hoàn thiện kĩ lưỡng, chất lượng từng đề án để trình Chính phủ thông qua trình Quốc hội, UBTVQH đối với 01 Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, 34 Nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp ĐVHC cấp xã tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khoá XV để thành lập 34 tỉnh (6 thành phố, 28 tỉnh) và có 3.321 đơn vị hành chính cấp xã (2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu), giảm 6.714 đơn vị hành chính cấp xã (đạt tỷ lệ giảm 66,91%). Tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn bảo đảm vận hành chính quyền địa phương 02 cấp đi vào ổn định, hiệu quả, đặc biệt là đã tham mưu xây dựng Cẩm nang chính quyền địa phương cấp xã theo hướng rõ ràng, cụ thể hóa đầy đủ các nội dung về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác, xử lý tình huống phát sinh tại cấp cơ sở để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện ngay từ 01/7/2025 và làm nguồn tài liệu quan trọng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực công tác thanh niên, bình đẳng giới; phi chính phủ; pháp chế; việc làm, an toàn, lao động ngoài nước; tiền lương và bảo hiểm xã hội; người có công; văn thư – lưu trữ; thi đua khen thưởng, cải cách hành chính, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế… đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp chung vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm của Bộ, ngành Nội vụ, có thể kể đến một số kết quả tiêu biểu như:
Về cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đã tham mưu công bố Chỉ số hài lòng SIPAS và Chỉ số CCHC PAR Index năm 2024. Các địa phương đã quan tâm chỉ đạo sát sao việc giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó các Trung tâm phục vụ hành chính công đã đi vào hoạt động, thực hiện các thủ tục tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Về tiền lương và Bảo hiểm xã hội, đã tham mưu trình Quốc hội về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp theo Nghị quyết số 142/2024/QH15; trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội.
Về việc làm, an toàn lao động, lao động ngoài nước, trong 6 tháng đầu năm, thị trường lao động có sự tăng trưởng nhẹ, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp dưới 3%. Số hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 429.166, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm, đã đưa 74.691 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 57,5% kế hoạch năm. Về công tác thể chế, đã trình Quốc hội thông qua Luật Việc làm (sửa đổi); phối hợp Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động.
Về người có công, đã cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 547 liệt sĩ; tham mưu Chủ tịch nước tặng quà cho người có công nhân ngày các lễ lớn (30/4, 27/7), nhất là tổ chức chu đáo các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam và 80 năm Quốc khánh, đã tặng quà cho 1.668.234 người có công với tổng số tiền hơn 834 tỷ đồng.
Về thi đua, khen thưởng, Bộ đã tham mưu tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI; hướng dẫn khen thưởng thành tích trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và các phong trào thi đua lớn do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Về công tác văn thư - lưu trữ, đã tập trung hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ 63/63 tỉnh, thành phố về công tác văn thư, lưu trữ, số hóa tài liệu trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy và ĐVHC. Trên cơ sở đó các địa phương đã chủ động tích cực triển khai số hóa tài liệu lưu trữ, tiếp nhận và bàn giao tài liệu khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm hiệu quả, thông suốt.
Về công tác thanh niên và bình đẳng giới, đã tham mưu Chính phủ tổ chức thành công 02 Hội nghị: (i) Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt thanh niên năm 2025; (ii) Buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nữ Anh hùng Lao động, nữ tướng nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3 và Lễ Kỷ niệm 40 năm Giải thưởng Kovalevskaia và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2024.
Về công tác pháp chế, đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định về phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước lĩnh vực nội vụ và Nghị định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; thực hiện rà soát tổng số 479 VBQPPL, trong đó 251 văn bản liên quan xây dựng Nghị định, Thông tư về phân cấp, phân quyền; 181 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy; rà soát 47 văn bản cần sửa đổi, bổ sung theo định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Về công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Bộ, ngành Nội vụ đã tập trung xây dựng Kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu về Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức viên chức với kết quả đạt hơn 2,4 triệu hồ sơ.
Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2025, Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết, ngành Bộ Nội vụ cần tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, UBTVQH và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó trọng tâm là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của ngành Nội vụ; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, CCHC và phân cấp, phân quyền trong tất cả các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Nội vụ; tăng cường tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ công nơi có đủ điều kiện; thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, tổ chức bộ máy và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Hội nghị đã nhận được 32 tham luận của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và các Sở Nội vụ
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng điều hành phiên thảo thảo luận tại Hội nghị
Tại hội nghị, đã có 8 đại biểu đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp trình bày tham luận, đề xuất, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, xác đáng từ thực tiễn triển khai chính quyền địa phương 02 cấp tại địa phương; đồng thời tất cả các ý kiến, tham luận đều được lãnh đạo Bộ Nội vụ trực tiếp giải đáp, hướng dẫn; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tiếp thu và trao đổi thẳng thắn, tập trung vào những vướng mắc, giải đáp những kiến nghị của các địa phương một cách cụ thể, rõ vấn đề, có chất lượng.
Ngành Nội vụ rất vinh dự, tự hào đã được đóng góp một nhiệm vụ, một trách nhiệm to lớn trong cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy
Kết luận tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu rất trách nhiệm, tâm huyết, chất lượng của các đồng chí Lãnh đạo Sở Nội vụ một số tỉnh, thành phố và trưởng một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
“Ngành Nội vụ rất vinh dự, tự hào đã được đóng góp một nhiệm vụ, một trách nhiệm to lớn trong cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao, vinh dự rất lớn với người làm công tác nội vụ của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo nên dấu mốc đặc biệt, có ý nghĩa tầm vóc lịch sử và thời đại của dân tộc”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng nhận định, trong quá trình vận hành chính quyền địa phương 02 cấp, những nỗ lực của cả hệ thống chính trị là vượt bậc, quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo linh hoạt với mục tiêu, khát vọng lớn vì mục tiêu của đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Nhưng vì đây là một vấn đề mới chưa có tiền lệ, nên những khó khăn vướng mắc, bất cập ban đầu trong tháng 7 vừa qua là điều tất yếu, không thể cầu toàn. Quan trọng là nhận diện được, nhìn thấy được, cần tập trung tháo gỡ để đạt được mục tiêu chính quyền địa phương cấp gần dân, sát dân, phục vụ dân tốt hơn.
Theo Bộ trưởng, nhiều bài học quý mà ngành Nội vụ rút ra khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Thứ nhất là “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” với sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là người đứng đầu Đảng ta để cơ quan tham mưu là Ban tổ chức, Bộ Nội vụ thuận lợi tổ chức thực hiện.
Thứ hai là bài học về lãnh đạo chỉ đạo, quyết tâm, quyết liệt, nhất quán toàn diện, lựa chọn thời điểm, thời cơ để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo một cách thần tốc, đồng bộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung cho việc tăng trưởng 2 con số, tạo ra đột phá với yêu cầu của tinh thần Bộ tứ trụ cột, để chúng ta thực hiện mục tiêu khát vọng lớn cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, thời kỳ đất nước vươn mình vì quốc gia giàu mạnh, hùng cường. Không những thế còn chăm lo cho an sinh xã hội, những đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi sắp xếp bộ máy.
Bài học thứ ba là phương pháp, cách thức tham mưu, chủ động linh hoạt, bản lĩnh, tận tụy, không ngại khó, không kể thời gian, phối hợp nhịp nhàng trong hệ thống Nội vụ một cách sáng tạo, không cầu toàn nhưng thận trọng, chắc chắn, khoa học, biện chứng, lịch sử, văn hóa, tổng hòa các yếu tố toàn diện, bao trùm về tư duy, tầm vóc, triết lý phát triển, xu hướng chung của thế giới, thực tiễn của Việt Nam đặt trong tổng thể mục tiêu triển vọng phát triển của Đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bài học thứ tư là trong tham mưu chiến lược, đều phải quán triệt quan điểm và nguyên tắc rất rõ ràng liên quan đến tính khoa học, yêu cầu triết lý, tư duy tầm nhìn để đề xuất cho đúng với 02 mục tiêu lớn vì sự phát triên chung của đất nước và mục tiêu vì sự ấm no của nhân dân, lấy người dân làm trung tâm.
Bộ trưởng Phạm thị Thanh Trà đặt niềm tin ngành Nội vụ trong năm 2025 sẽ có sự thành công, đột phá ấn tượng và đầy vinh quang, tự hào
Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2025, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành tập trung vào 03 mục tiêu chính:
Thứ nhất, vừa phải đảm bảo ổn định bộ máy chính quyền địa phương 02 cấp, vừa phải đẩy nhanh tốc độ, hiệu năng hiệu lực hiệu quả để phục vụ người dân tốt hơn.
Thứ hai, không cầu toàn, vừa làm vừa điều chỉnh khẩn trương, gắn với quản trị quốc gia và quản trị địa phương. Bộ sẽ có những tập huấn để có cái nhìn tổng quan về quản trị địa phương, từ đó đặt ra những nhiệm vụ cụ thể để ngành Nội vụ và các sở nội vụ tham mưu, tổ chức thực hiện cho đúng và trúng.
Thứ ba, Bộ sẽ phối hợp với các bộ liên quan để rà soát, đồng bộ, tránh sự xung đột, chồng chéo, đưa ra 1 nguyên tắc chung, đảm bảo nhất quán để đảm bảo việc thực hiện của các địa phương.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm gồm:
1. Tham mưu thể chế, chính sách phù hợp tại địa phương để vừa giải quyết vấn đề tổng thể và những vấn đề cụ thể khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền.
2. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, nhất là công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu, nghiệp vụ. Theo đó, (1) cần tham mưu để tạm thời tăng cường bổ sung cán bộ, công chức viên chức chuyên ngành, nhất là chuyên ngành sâu ở cấp xã; (2) đánh giá cán bộ công chức cấp xã một cách công khai dân chủ chính xác để khẩn trương cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức gắn với chính sách hiện có, lưu ý giữ chân cán bộ có năng lực; (3) quan tâm công tác tư tưởng, động viên, chú trọng nơi ăn chốn ở, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ công chức khi di chuyển tới trung tâm hành chính mới; (4) tập trung cho tập huấn, bồi dưỡng, kĩ năng nghiệp vụ cho đội ngũ lãnh đạo, công chức cấp xã.
3. Địa phương cần rà soát những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn về nội dung phân cấp, phân quyền của từng Bộ; có kiến nghị đề xuất để Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ, ngành, đơn vị liên quan để triển khai xử lý, đảm bảo việc phân cấp phân quyền từ Trung ương về địa phương để địa phương có thể triển khai thực hiện.
4. Bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và các văn bản QPPL, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành để vừa tham mưu đề xuất thường xuyên, giải quyết vướng mắc khó khăn cho quá trình vận hành địa phương 2 cấp, đặc biệt cấp xã. Vấn đề khó khăn thì kịp thời đề xuất để Bộ kịp thời xử lý. “Lúc này hãy chung sức đồng lòng, không ngại ngùng, băn khoăn, tất cả chúng ta đang ở trong một ngôi nhà chung, có sự chân thành, sẵn sàng đồng hành, không phân biệt Trung ương với địa phương, cùng hết lòng hướng tới mục tiêu lớn nhất mà Đảng, Nhà nước đã giao cho ngành Nội vụ là đáp ứng việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp”, Bộ trưởng chia sẻ với các địa phương.
5. Đề xuất giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính nhất là tham mưu giải quyết tài sản công dôi dư, nhà công vụ, trụ sở, hệ thống chính trị ở cấp xã. Đồng thời, ưu tiên cho hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã - hình ảnh hiện thân sinh động nhất cho sự phục vụ người dân.
6. Nghiêm túc, tập trung chỉnh lý số hóa tài liệu theo quy định của Bộ. Đây là việc khó, nhưng bắt buộc phải thực hiện. Các địa phương cần chủ động tham mưu những khó khăn, đề xuất với Bộ để Bộ báo cáo với Chính phủ hỗ trợ cho hoạt động số hóa toàn bộ tài liệu lưu trữ.
7. Đối với các nhiệm vụ thường xuyên, đề nghị toàn Ngành bám vào nhiệm vụ chính trị để hoàn thành nhiệm vụ năm 2025 trên tất cả các lĩnh vực; tham mưu phối hợp để tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tại địa phương; thực hiện các nhiệm vụ chung cho phát triển kinh tế - xã hội; chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Đặc biệt tổ chức trang trọng, ý nghĩa 80 năm ngày thành lập Ngành, để lại dấu ấn tốt trong chặng đường lịch sử 80 năm của hai ngành Nội vụ và Lao động - Thương binh và Xã hội.
Với tinh thần của Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 bất diệt, với niềm tự hào 80 năm truyền thống vẻ vang ngành Nội vụ, với thành tựu to lớn toàn ngành đã đóng góp cho cuộc cách mạng tổ chức bộ máy vừa qua và với tâm huyết, trách nhiệm của công chức, viên chức toàn ngành, Bộ trưởng Phạm thị Thanh Trà đặt niềm tin ngành Nội vụ trong năm 2025 sẽ có sự thành công, đột phá ấn tượng và đầy vinh quang, tự hào.