Bộ Nội vụ luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các địa phương, bảo đảm mô hình vận hành thành công, thuận lợi

25/07/2025 09:02

Qua nắm bắt, công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp ở địa bàn cơ sở trên cả nước tương đối đồng bộ, có hiệu quả, không gián đoạn công việc. Số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến trên môi trường điện tử ở nhiều địa phương là khá lớn và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra với mô hình chính quyền địa phương 02 cấp cũng như yêu cầu của người dân.

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ (trái) thông tin về kết quả 3 tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nội dung trên được ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ chia sẻ tại tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa hai cấp chính quyền địa phương" được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức ngày 24/7/2025.

Chính quyền địa phương bước đầu bộ máy vận hành tương đối trơn tru, hiệu quả, liên thông, thông suốt

Đánh giá sau 3 tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ cho biết, từ ngày 1/7/2025, 34 tỉnh, thành phố, trong đó có 23 tỉnh, thành phố sau sắp xếp, và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã trong trong cả nước đã bước vào mô hình mới - mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.

Thực tiễn triển khai của các địa phương và qua nắm bắt tình hình của Bộ Nội vụ, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ trong tổ chức vận hành chính quyền địa phương 02 cấp, cho thấy, mặc dù thời gian đi vào vận hành mới hơn 3 tuần (tính đến nay là 23 ngày) nhưng bước đầu đã có những kết quả rất tích cực. Điều này cho thấy chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong tổ chức mô hình chính quyền địa phương mới, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước ta tổ chức mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.

Theo ông Phan Trung Tuấn, nhờ sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, bước đầu bộ máy vận hành tương đối trơn tru, hiệu quả, liên thông, thông suốt, quan trọng nhất là không làm gián đoạn quá trình triển khai chuyển tiếp mô hình chính quyền địa phương 03 cấp sang chính quyền địa phương 02 cấp.

Cấp xã cũng đã quan tâm hoàn thiện đồng bộ, tổ chức hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương cấp xã theo mô hình mới. UBND của 3.321 đơn vị cấp xã trên cả nước đã hoàn thiện tổ chức bộ máy, thành lập các cơ quan chuyên môn, trong đó đặc biệt là Trung tâm Phục vụ hành chính công - nơi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp ngay từ cơ sở.

“Qua nắm bắt của chúng tôi, công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp ở địa bàn cơ sở trên cả nước tương đối đồng bộ, có hiệu quả, không gián đoạn công việc” – ông Phan Trung Tuấn chia sẻ.

Một điểm rất đáng lưu ý được ông Phan Trung Tuấn cho biết, là hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt ở cấp xã, đã đưa vào vận hành hệ thống giải quyết dịch vụ công có kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo thuận lợi cho việc kết nối, giải quyết các thủ tục hành chính, các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Quan trọng nhất theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ tổng hợp là khối lượng giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính tăng dần theo từng ngày. Đến thời điểm này, số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến trên môi trường điện tử ở nhiều địa phương là khá lớn và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra với mô hình chính quyền địa phương 02 cấp cũng như yêu cầu của người dân.

Khối lượng công việc của cấp xã hiện nay vô cùng lớn

Trao đổi về áp lực công việc trong bối cảnh tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cấp xã, phường trực tiếp "tiếp xúc" nhiều nhất với người dân và xử lý khối lượng công việc rất lớn, ông Phan Trung Tuấn cho rằng, trong bối cảnh tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cấp xã có thể nói là tuyến đầu cũng là nơi trực tiếp nhất, gần dân nhất để giải quyết các yêu cầu hằng ngày của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Khối lượng công việc của cấp xã hiện nay vô cùng lớn. Chính quyền địa phương cấp xã hiện nay không chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã trước đây mà còn thực hiện hầu hết các nhiệm vụ của cấp huyện chuyển về khi chúng ta kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện.

Đồng thời, các nghị định phân cấp, phân quyền, các luật và các văn bản, thông tư của các bộ về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền đã chuyển giao khá nhiều nhiệm vụ phân quyền, phân cấp và nhiều nhiệm vụ của chính quyền Trung ương xuống cho chính quyền địa phương, trong đó nhiều nhiệm vụ chuyển cho cấp xã. Chúng tôi thống kê có tới 1.065 nhiệm vụ, ngoài những nhiệm vụ mà chính quyền địa phương cấp xã đang thực hiện (cả cấp huyện, cấp xã cũ trước đây), còn phải thực hiện các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền nên khối lượng công việc rất lớn, áp lực rất lớn.

Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn (giữa): Bộ Nội vụ luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các địa phương và kịp thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc để báo cáo cấp trên, bảo đảm mô hình vận hành thành công, thuận lợi - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ hai, yêu cầu về chất lượng phục vụ, thực hiện các yêu cầu công việc đối với người dân, doanh nghiệp càng ngày càng cao. Trong bối cảnh chúng ta thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp và đang dần chuyển mô hình quản trị của chúng ta từ hành chính quản trị truyền thống thông thường sang hành chính phục vụ.

Theo như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, cách thức vận hành và cách thức chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp xã giờ phải khác trước, khác ở điểm rất cơ bản. Trước đây chúng ta chờ người dân đến với chính quyền để chúng ta giải quyết khi người dân có yêu cầu nhưng trong bối cảnh mới, mô hình vận hành mới thì đấy chỉ là một bước, là yêu cầu tất yếu. Còn yêu cầu nữa là chính quyền, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, kể cả lãnh đạo, phải trực tiếp đi đến từng địa bàn, đến người dân để nắm được yêu cầu, ý kiến, nguyện vọng của người dân; từ đó xây dựng thể chế chính sách, ban hành các quyết sách để giải quyết các yêu cầu thực tiễn từ người dân và cũng kịp thời xử lý được các công việc của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Tức là hành chính phục vụ chứ không phải hành chính giải quyết công việc thông thường như trước đây.

Thứ ba, một điểm nữa cũng tạo áp lực rất lớn đối với chính quyền địa phương và hệ thống chính trị cấp xã, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, đấy là khi chúng ta đang thực hiện yêu cầu rất mạnh mẽ về chuyển đổi số hiện nay, áp dụng khoa học công nghệ thì những đòi hỏi về kỹ năng, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức càng ngày phải càng cao trong bối cảnh hiện trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ giữa các địa phương, vùng miền, kể cả trong một địa bàn cấp cơ sở, chưa bảo đảm được sự tương đồng, còn có sự chênh lệch khá lớn. Chính vì vậy sẽ tạo ra những khoảng trống, không đồng bộ trong thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Thực tế, không chỉ ở chính quyền địa phương cấp xã mà ở nhiều cơ quan, nhiều người làm việc tốt sẽ áp lực vì lãnh đạo giao nhiều công việc hơn. Điều đó cũng tạo ra bất cập trong hệ thống, trong công việc, đòi hỏi vừa chạy vừa xếp hàng và giải quyết công việc rất lớn hằng ngày, đặc biệt ở chính quyền địa phương cấp xã trong khi trình độ công nghệ thông tin còn ở mức hạn chế, đặc biệt là những nơi vùng sâu, vùng xa.

Về giải pháp, chúng ta khẳng định một điều, con người bao giờ cũng nắm vị trí trung tâm, thất bại hay thành công đều đến từ nguồn nhân lực. Do vậy, phải có được một đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ vừa có các kỹ năng, giải quyết công việc hằng ngày tốt, nắm vững kiến thức về pháp luật, chuyên môn trong giải quyết công việc hằng ngày của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Yếu tố quan trọng là ngay bản thân đội ngũ cán bộ, công chức phải xác định vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình để chủ động tự đào tạo, tự bồi dưỡng, tự nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng cao.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp, kể cả các cơ quan nhà nước Trung ương cũng phải tăng cường hỗ trợ, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng điều hành, thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền địa phương cấp xã.

Để điều chỉnh, hỗ trợ các địa phương khắc phục khó khăn phát sinh trong giai đoạn đầu triển khai chính quyền địa phương hai cấp, ông Phan Trung Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ hiện đang phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố tổ chức các buổi tập huấn. Chủ nhật này, Bộ Nội vụ sẽ đến tỉnh Điện Biên để đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp liên quan đến các lĩnh vực, nội dung công việc trực tiếp của Bộ Nội vụ như những vấn đề về tổ chức bộ máy, tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương, vấn đề công chức công vụ và các vấn đề vướng mắc, cần lưu ý… để trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết. Đây cũng là một bước để tập huấn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các địa phương. Ngay sau tỉnh Điện Biên, chúng tôi sẽ phối hợp triển khai ở TPHCM và các tỉnh, thành phố khác.

Ngoài ra, để giải quyết bài toán hiệu quả trong vận hành và giảm bớt phần nào áp lực đối với chính quyền địa phương cấp xã, trong đó có đội ngũ cán bộ công chức, chắc chắn chúng ta phải đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành và đổi mới cách thức vận hành hệ thống. Nhiều địa phương đã có nhiều cách làm mới, cách làm hay như phường Cửa Nam, TP. Hà Nội áp dụng công nghệ như sử dụng AI, robot công nghệ để tổ chức vận hành hệ thống trơn tru hơn. Hay Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với Trường Đại học FPT và Đại học Khoa học công nghệ Việt-Hàn trưng dụng 200 sinh viên năm cuối về hỗ trợ trực tiếp công nghệ cho các đơn vị xã, phường trên địa bàn Thành phố. Một số tỉnh như Thái Nguyê, Ninh Bình cũng có cách làm tương tự. Đây là những cách làm rất hiệu quả.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa, trong bối cảnh áp lực công việc lớn như vậy, một số cán bộ cấp xã có tư tưởng xin nghỉ việc. Do vậy chúng ta cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, kể cả các thể chế, chính sách của các cơ quan Trung ương cũng như cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương để hỗ trợ, quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, cũng cần sàng lọc, giữ lại những người tốt để làm việc trong hệ thống chính trị cấp xã. Nếu muốn giữ chân cần tạo điều kiện về trang thiết bị, kể cả thu nhập cho đội ngũ này để đáp ứng yêu cầu.

Vấn đề khoa học công nghệ, dữ liệu ứng dụng KHCN, chuyển đổi số trong tổ chức mô hình chính quyền hai cấp là rất quan trọng. Ngoài vấn đề nguồn nhân lực thì chúng ta cần đầu tư nâng cao hơn chất lượng hạ tầng cơ sở, hạ tầng số ngay từ lúc đầu…

Liên quan đến các giải pháp của Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ, cập nhập thường xuyên các khó khăn, vướng mặc từ địa phương để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và có những chia sẻ cùng các bộ, ngành để giải quyết kịp thời, có thể nói là hằng ngày, hằng tuần. Ngoài kênh chúng tôi tiếp nhận qua văn phòng điện tử, qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng TTĐT Bộ Nội vụ, Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng Pháp luật quốc gia của Bộ Tư pháp. Bộ Nội vụ cũng nhận hằng ngày các ý kiến và kịp thời phối hợp các bộ ngành giải quyết theo lĩnh vực chuyên ngành.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng rất quan tâm đến việc đồng bộ, hoàn thiện các hệ thống thể chế liên quan đến lĩnh vực của Bộ Nội vụ phụ trách, trong đó chủ đạo sẽ triển khai kịp thời các thể chế, chính sách, nghị định, thông tư, hướng dẫn… liên quan đến việc thể chế hóa kịp thời Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 và Luật Cán bộ công chức mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Đây là luật rất quan trọng, một trong những nền tảng để vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, trong đó có cán bộ, công chức.

Khá nhiều nghị định của 2 luật này đã được ban hành. Sắp tới, quy định trong luật để cụ thể hóa, tạo thuận lợi cho nền tảng pháp lý, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt cấp xã sẽ được hoàn thiện.

Tiếp theo, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố kịp thời vừa hỗ trợ vừa phối hợp như công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã.

Còn đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo kịp thời Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ví dụ, hiện nay các địa phương rất quan tâm đến biên chế đối với đội ngũ cán bộ, công chức thời gian tới đây như thế nào? Trong khi chúng tôi trình Đề án để báo cáo Đảng ủy Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương thông qua tại Nghị quyết 60, trước mắt cơ bản giữ nguyên biên chế cán bộ, công chức của cả cấp huyện, xã để chuyển về cấp xã thực hiện công việc trên địa bàn. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xác định lại vị trí việc làm, khối lượng công việc và trên có sở đó đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn làm định biên số lượng cán bộ, công chức phù hợp với chính quyền địa phương cả cấp tỉnh và cấp cơ sở. Trên cơ sở đó báo cáo Bộ Chính trị quyết định.

Qua trình vận hành chính quyền địa phương hai cấp có rất nhiều ưu điểm tích cực và vận hành khá trơn tru. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, mô hình mới không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc ban đầu, nhưng cá nhân ông Phan Trung Tuấn rất tin tưởng đây là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Quan trọng hơn, vận hành có những khó khăn, vướng mắc thì phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Với vai trò của mình, Bộ Nội vụ luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các địa phương và kịp thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc để báo cáo cấp trên, bảo đảm mô hình vận hành thành công, thuận lợi.

Phương Nhung