BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bài học 3 năm liên tiếp giữ ngôi cao về chuyển đổi số của TP.HCM

23/08/2023 09:44

Cải cách thể chế, chú trọng vào hạ tầng số, thúc đẩy hoạt động chính quyền số và phát triển kinh tế số là những yếu tố giúp thành công trong chuyển đổi số của TP.HCM.

Với quy mô và mật độ dân số trung bình cao nhất nước, TP.HCM tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong 3 năm liên tiếp theo kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2022 do Bộ TT%TT công bố. Cụ thể, TP.HCM giữ vị trí cao về chỉ số Thể chế số (xếp thứ 1), Hạ tầng số (xếp thứ 1), Hoạt động chính quyền số (thứ 2), Hoạt động kinh tế số (thứ 4).  

Dẫn đầu cải cách thể chế và hoạt động triển khai chính quyền số

Để có được vị trí dẫn đầu về thể chế số và thứ 2 trong hoạt động chính quyền số so với các tỉnh thành trong cả nước về chuyển đổi số, TP.HCM đã có nhiều quyết tâm trong việc cải cách thủ tục hành chính.

Hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành UBND TP.HCM. Ảnh: Sở TT&TT TP.HCM.

Cụ thể, Thành phố đã triển khai thiết lập quy trình xử lý các thủ tục hành chính, văn bản của tất cả cơ quan Nhà nước bao gồm các sở, ban ngành, Thành phố Thủ Đức, quận huyện, phường xã thị trấn trên môi trường số, đưa vào vận hành 1.542 dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 97,7% trên tổng số thủ tục hành chính. Đến tháng 7/2023, có 400 dịch vụ công đã được rà soát, tái cấu trúc quy trình và được Chủ tịch UBND Thành phố công bố đạt dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình.

Việc đơn giản hóa quy trình đem lại hiệu quả tích cực trong quá trình thụ lý hồ sơ, giảm bớt thời gian xử lý và đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục cho người dân.

Đồng thời, TP.HCM cũng đưa vào vận hành quản lý và giám sát tình hình xử lý kiến nghị người dân các lĩnh vực trên môi trường số của 625 đầu mối xử lý qua Cổng 1022; Theo dõi việc thực hiện kế hoạch năm các chỉ tiêu, kinh tế - xã hội của Thành phố với 110 chỉ tiêu của 20 nhóm lĩnh vực các ngành; các công việc thực hiện chỉ đạo của Ủy Ban, Thành ủy, của quận huyện, sở, ban ngành được nhắc nhở, giám sát trên môi trường số định kỳ hàng tuần.

Dẫn đầu về hạ tầng số

Hạ tầng số là một trong những yếu tố quan trọng để triển khai thành công về chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh. 

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, hạ tầng số được thực hiện bằng bước đi dài, thực tế Thành phố không đầu tư trung tâm dữ liệu mà đang đi thuê doanh nghiệp. Doanh nghiệp này trực thuộc Thành phố và có trách nhiệm xây dựng một trung tâm dữ liệu theo mô hình điện toán đám mây dùng riêng, phục vụ cho kho dữ liệu dùng chung và cấp phát tài nguyên theo nhu cầu của Thành phố.

Thành phố đã tổ chức triển khai tập trung 1.034 máy chủ vận hành các ứng dụng của các sở, ngành, quận, huyện trên nền tảng hạ tầng đám mây tại trung tâm này, với chiến lược đảm bảo an toàn an ninh thông tin được tăng cường và quản lý thống nhất cho toàn hệ thống. 

Hạ tầng số, thành công của TP.HCM trong chuyển đổi số. Ảnh: Sở TT&TT TP.HCM

Bên cạnh đó, Thành phố còn có hạ tầng mạng đô thị băng rộng (MetroNet) với hơn 800 điểm kết nối. Hạ tầng cáp quang băng rộng được triển khai đến cấp xã, đảm bảo 100% xã, phường trên địa bàn có mạng lưới và dịch vụ truy cập Internet băng rộng.

Đồng thời, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Thành phố (HCM LGSP) với các hệ thống thông tin quốc gia được mở rộng kết nối thông suốt. Hơn 1.000 đơn vị các sở, ban ngành, quận huyện, phường xã thị trấn, Thành phố Thủ Đức và các tổng công ty, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học đã được triển khai thực hiện kết nối với nền tảng, giúp tạo luồng liên thông tự động, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho người dân.

Một điểm đáng chú ý là TP.HCM đang đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các dự án số hóa, tạo lập và làm giàu Kho dữ liệu Thành phố bằng việc chủ động, tiên phong trong ban hành và triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu. Kho dữ liệu dùng chung của thành phố đã phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM, kết hợp xây dựng ứng dụng khai thác, phục vụ cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Các nền tảng công nghệ được TP.HCM chú trọng phát triển. Trong ảnh là Trung tâm giám sát hiện trường TP. Thủ Đức, TP.HCM.

Ảnh: Sở TT&TT TP.HCM.

Thành phố cũng đã đưa vào vận hành các nền tảng lớn dùng chung là hạ tầng dữ liệu quan trọng của chính quyền số, trong đó có hai nền tảng số quan trọng.

Nền tảng số hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố trên cơ sở hợp nhất hơn 40 phần mềm một cửa điện tử của các quận huyện, sở, ban ngành. Đây là nền tảng giúp các cơ quan Nhà nước tại Thành phố thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân thống nhất thông qua kho dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính dùng chung.

Nền tảng này giúp người dân không mất thời gian nộp hồ sơ nhiều nơi, nhiều lần, nhiều cửa và là cơ sở để Thành phố liên thông giữa các cơ quan Nhà nước, tối ưu hóa quy trình, công khai minh bạch tình trạng xử lý, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian tới.

Ra mắt "Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM. Ảnh Sở TT&TT TP.HCM 

Thứ hai là nền tảng số hệ thống quản trị, thực thi Thành phố nhằm phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan Nhà nước. Đây là nền tảng liên thông của hệ thống văn bản, chỉ đạo, điều hành của hơn 1.000 đơn vị bao gồm các sở, ban ngành, quận huyện, phường xã, thị trấn, Thành phố Thủ Đức và các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công trên địa bàn.

Đây là nền tảng quan trọng giúp tạo lập kho dữ liệu phục vụ quản lý điều hành tổng thể, giúp lãnh đạo Thành phố và các đơn vị có thể phối hợp, tổng hợp, theo dõi các chỉ tiêu phát triển tình hình kinh tế - xã hội; giúp giám sát theo dõi việc thực hiện chỉ đạo của Ủy ban, Thành ủy đến từng cán bộ, viên chức; giám sát tình hình giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp (qua tổng đài 1022) nhằm kịp thời ra quyết định điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Kinh tế số là một điểm sáng

Về hoạt động kinh tế số, TP.HCM đứng thứ 4 trên toàn quốc. Theo đó, Thành phố tổ đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động nhằm lắng nghe và triển khai các chính sách thúc đẩy, nâng cao phát triển kinh tế số của Thành phố như Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai”, Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo Thành phố với doanh nghiệp, chuyên gia ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông… 

Năm 2022, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số Thành phố cho GRDP ước đạt 18,66% (năm 2021 là 15,38%).

Nguồn: vietnamnet.vn
Tìm kiếm