Bộ Chính trị: Ba năm tới, mỗi năm cử đi nước ngoài bồi dưỡng khoảng 400 cán bộ

01/08/2022
Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 mỗi năm cử đi nước ngoài bồi dưỡng khoảng 400 cán bộ. Từ năm 2026 đến năm 2030, mỗi năm cử đi nước ngoài bồi dưỡng khoảng 500 cán bộ.
Theo kết luận 39 của Bộ Chính trị về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, sau 15 năm thực hiện đề án 165 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đã đạt được kết quả tích cực, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tổ chức được nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài phù hợp, thiết thực với từng nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Phần lớn cán bộ có ý thức nghiên cứu, học tập, cập nhật được kiến thức mới, phát triển năng lực công tác, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm được đào tạo, bồi dưỡng vào thực tiễn công tác. Quá trình thực hiện đề án đã xây dựng được mạng lưới hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo, chuyên gia có uy tín trong nước và ngoài nước, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Ảnh: Nhật Bắc

Tuy nhiên, việc thực hiện đề án 165 còn một số hạn chế, bất cập... Để tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, Bộ Chính trị chủ trương tiếp tục tổ chức bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị đưa ra quan điểm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài với nội dung, chương trình bồi dưỡng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm để vừa cập nhật kiến thức, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, vừa nâng cao năng lực và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao.

Mục tiêu được Bộ Chính trị đưa ra là giai đoạn từ nay đến năm 2025 mỗi năm cử đi nước ngoài bồi dưỡng khoảng 400 cán bộ gồm bồi dưỡng trung hạn khoảng 40 cán bộ; bồi dưỡng ngắn hạn 250 cán bộ; bồi dưỡng ngoại ngữ 120 cán bộ.

Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 mỗi năm cử đi nước ngoài bồi dưỡng khoảng 500 cán bộ, gồm bồi dưỡng trung hạn khoảng 50 cán bộ; bồi dưỡng ngắn hạn khoảng 300 cán bộ; bồi dưỡng ngoại ngữ khoảng 150 cán bộ.

Nội dung bồi dưỡng vào các nhóm chính gồm: tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; chính sách phát triển bền vững, kinh tế, khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xây dựng pháp luật và hoạt động tư pháp; kỹ năng lãnh đạo, quản lý.

Bồi dưỡng ngắn hạn (khoảng 2 tuần), tổ chức theo đoàn, mỗi đoàn khoảng 15 - 20 cán bộ có vị trí lãnh đạo, quản lý và lĩnh vực công tác tương đồng ở trung ương và địa phương.

Đối tượng bồi dưỡng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương.

Bồi dưỡng trung hạn (khoảng 3 tháng), học trực tiếp bằng ngoại ngữ đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cán bộ lãnh đạo cấp tổng cục, cục, vụ của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương; cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương đương trở lên ở địa phương.

Bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ thời gian khoảng 4 tháng trong nước và 4 tháng ở nước ngoài. Đối tượng bồi dưỡng là cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên sử dụng ngoại ngữ trong công việc.

Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức tổ chức bồi dưỡng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm cán bộ khác nhau.

Chương trình bồi dưỡng phải kết hợp giữa học tập và khảo sát thực tế, bổ sung được kiến thức mới, kỹ năng lãnh đạo, quản lý hiện đại, trong đó có làm việc, trao đổi với đảng cầm quyền, các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, các tổ chức quần chúng... của các nước sở tại.

Kết hợp linh hoạt phương thức bồi dưỡng trực tiếp với trực tuyến tùy theo điều kiện thực tế.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về tổ chức, hoạt động, đối tượng, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách, công tác quản lý đề án, quản lý và bảo vệ cán bộ khi bồi dưỡng ở nước ngoài phù hợp giai đoạn mới.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường quan hệ với các cơ sở đào tạo, chuyên gia có uy tín ở nước ngoài; đồng thời nghiên cứu, mở rộng quan hệ với các đối tác mới để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ.

Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động mời chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả thuyết trình tại Việt Nam để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Nguồn: https://vietnamnet.vn