Sáng ngày 24/6/2015, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia – Bộ Nội vụ phối hợp với Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn tròn vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Hiến pháp nước Cộng hòa Kazakhstan (Hội nghị).
PGS. TS. Lê Thị Vân Hạnh, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia – Bộ Nội vụ và Ngài Beketzhan Zhumakhanov, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Về phía Cộng hòa Kazakhstan có bà Saulekul Sailaukyzy, Tham tán công sứ, Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam; Ông Medet Makulzhanov, Tham tán, Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam; Ông Aibek Smadiyanov, Bí thư Thứ 2, Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam; Ông Mukhatar Yshak, Bí thư Thứ 2, Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam và các chuyên viên Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS. TS. Lê Thị Vân Hạnh, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia – Bộ Nội vụ nhấn mạnh dân tộc và tôn giáo là một trong những vấn đề cơ bản cấu thành đời sống xã hội của mỗi quốc gia, tồn tại cùng với lịch sử của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đời sống tâm linh tôn giáo của đồng bào các dân tộc ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng song thống nhất về lịch sử, văn hóa. Việt Nam cũng luôn tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện tự do tôn giáo, tín ngưỡng; coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, bảo hộ các hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những chính sách trên đã tạo điều kiện cho tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đời sống sinh hoạt tôn giáo của người dân ngày càng phong phú. Quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Mọi công dân theo tôn giáo hay không theo tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân, điều này cũng được quy định cụ thể tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Kazakhstan ngày càng phát triển, việc tìm hiểu, nghiên cứu lẫn nhau nhằm làm gia tăng sự hiểu biết, chia sẻ giữa Việt Nam – Kazakhstan là hết sức cần thiết, trong đó, có nghiên cứu, tìm hiểu về chính sách dân tộc, tôn giáo của mỗi bên. Để Hội nghị đạt hiệu quả cao nhất, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia – Bộ Nội vụ Lê Thị Vân Hạnh đề nghị các quý vị đại biểu tích cực trao đổi, chia sẻ những thông tin cơ bản, hữu ích liên quan đến tính chất, vị trí, vai trò của vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Hiến pháp của hai nước Việt Nam và Kazakhstan; thực tiễn xử lý vấn đề dân tộc và tôn giáo ở mỗi quốc gia, rút ra những giá trị tham khảo cho mỗi bên, vừa làm sâu sắc hơn sự hiểu biết, tin cậy giữa Việt Nam và Kazakhstan, cũng như giúp giải quyết tốt nhất vấn đề dân tộc và tôn giáo của mỗi quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị, Ngài Beketzhan Zhumakhanov, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam đã giới thiệu với Hội nghị về đất nước, con người và những thành tựu của Kazakhstan đạt được trong thời gian qua. Những thành tựu này đều xuất phát từ việc thực hiện tốt những quy định trong Hiến pháp của Kazakhstan. Đồng thời giới thiệu về những định hướng phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của Kazakhstan cũng như những biện pháp nhằm củng cố, phát triển mối quan hệ song phương giữa Kazakhstan và Việt Nam. Về chính sách đối ngoại, Kazakhstan ngay từ đầu đã xác định thực hiện chính sách đa phương, hợp tác với các nước láng giềng thân thiện, tích cực và có trách nhiệm dựa trên các Điều ước quốc tế. Ngài Đại sứ Beketzhan Zhumakhanov cũng cho biết, Kazakhstan là một đất nước đa sắc tộc cùng sinh sống với trên 130 dân tộc với nhiều tôn giáo khác nhau, các tôn giáo chính là: Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Phật giáo,…. Tuy là nước đa sắc tộc, nhưng Chính phủ Kazakhstan đã làm tốt công tác bảo tồn và gìn giữ các mối quan hệ giữa các dân tộc, vì vậy, trải qua nhiều biến cố của lịch sử nhưng sự xung đột, mâu thuẫn sắc tộc đã không diễn ra tại Kazakhstan.
Hội nghị đã được nghe các chuyên gia, các nhà khoa học của Việt Nam và Kazakhstan trình bày tham luận về một số nội dung chính liên quan đến vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Hiến pháp, cụ thể: Vấn đề tôn giáo ở Việt Nam; Vấn đề dân tộc ở Việt Nam và Chính sách kinh tế mới của Kazakhstan – Nurly zhol. EXPO-2017. Những trao đổi của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học của hai nước Việt Nam – Kazakhstan về các vấn đề liên quan đến dân tộc và tôn giáo được quy định trong Hiến pháp của hai nước Việt Nam – Kazakhstan.