Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam xã hội Chủ nghĩa mà còn là nhà ngoại giao kiệt xuất của Việt Nam trong thế kỷ XX, người sáng lập ra nền ngoại giao hiện đại. Những tư tưởng của Người như “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “quan san muôn dặm một nhà”, “kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại” và phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đã góp phần tạo nên những thành tựu vẻ vang trên mặt trận đối ngoại. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương đạo đức chuẩn mực cho mọi người học tập và noi theo. Tư tưởng và đạo đức của Người là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta.
(Ảnh: Phòng Lưu trữ - Bộ Ngoại giao)
Sinh thời, Người đã để lại nhiều lời căn dặn, chỉ bảo ân cần quý báu ở nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, nhiều địa phương,…khác nhau. Ngành Ngoại giao rất vinh dự và tự hào được Bác trực tiếp đật nền móng và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo trong những thời kỳ cách mạng cam go song rất đỗi hào hùng của dân tộc – đã có vinh dự được Bác nhiều lần đến thăm, dành những lời dạy bảo quý báu về nhiệm vụ của Ngành. Bác căn dặn ngành Ngoại giao phải thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ văn hóa, tri thức cho người làm công tác đối ngoại. Những lời dạy của Người đối với ngành Ngoại giao là vô cùng phong phú, đa dạng. Không chỉ bằng những lời nói mà bằng những hướng dẫn cụ thể hoặc thông qua những hành động cụ thể. Và toát lên tất cả là con người Bác, trong Bác đã toát lên là một nhà ngoại giao thiên tài với nhữgn ứng xử ngoại giao thiên tài. Những lời dạy của Bác nhiều khi là sự khái quát rất cao như tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 3 (tháng 1/1964), Bác đề ra 05 yêu cầu chuyển mực về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của công tác đối ngoại: “Một là phải có quan điểm lập trường của Đảng làm kim chỉ năm; Hai là phải có tư tưởng đạo đức tốt, không để cá nhân lên trên lợi ích chung; Ba là về phương pháp công tác phải tôn trọng, cảnh giá và giữ bí mật nhà nước; Bốn là phải có tinh thần học hỏi và tự lực cánh sinh, tiết kiệm; Năm là phải học tiếng nước ngoài. Công tác ở nước nào cần phải học tiếng nước đó”.
Nhưng nhiều khi lời dạy của Bác lại là những căn dặn hết sức cụ thể, giản dị mà lại vô cùng sâu sắc, như tại Hội nghị Ngoại giao năm 1962: “Cán bộ ngoại giao ở Bộ cũng như đi ra nước ngoài, chẵng những đại sứ, đại diện, tổng lãnh sự, lãnh sự là đại diện mà tất cả những người đi ra nước ngoài đề ít nhiều có nhiệm vụ thay mặt cho dân tộc mình. Một đồng chí cấp dưỡng ra ngòa mà có thái độ, cử chỉ tốt thì người ta nói là dân Việt Nam mình tốt. Nếu như đi ra ngoài chợ mà tham lam ăn cắp (Bác nói là ví dụ quá đi để dễ thấy) thì người ta không biết đây là anh A, anh B, anh Mít, anh Xoài gì mà người ta nói đấy là người Việt Nam, mang tiếng cho nước mình lắm”. Đây thực sự là bài học đầu tiên đối với mỗi cán bộ đối ngoại là luôn giữ gìn hình ảnh đẹp về Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, qua hành động, cử chỉ của mỗi còn người cụ thể.
Đoàn kết nội bộ cũng là mối quan tâm của Bác. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, Bác nói nhiều đến vấn đề này ở các cơ quan đại diện mà theo Người biết còn chưa tốt. “Đó là vấn đề đoàn kết nội bộ. Ra ngoài, muốn công tác tốt, trước hết nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ…. Phải thựuc hiện dân chủ nội bộ, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình, có tinh thần giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ. Người phụ trách cơ quan và người phụ trách từng bộ phận phải gương mẫu mọi mặt về công tác, đạo đức, tiết kiệm và đoàn kết”. Bác còn dặn dò các cơ quan đại diện ở nước ngoài, nơi có kiều bào và lưu học sinh “cần quan tâm đến họ để họ coi Sứ quán Việt Nam như một tiểu gia đình, đại diện cho đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cán bộ Ngoại giao, đặc biệt các chú Đại sứ, cán bộ cao cấp phải thân mật, gần gũi, giúp đỡ, đoàn kết với họ…”.
Trong Bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, Bác căn dặn cán bộ ngoại giao về tiết kiệm trong ngoại giao, tại cuộc gặp mặt với cán bộ ngoại giao ngày 12-1-1965, Bác căn dặn nhiệm vụ và những điều cần chú ý: “Phải tiết kiệm. Dân ta còn nghèo, nước ta cũng còn nghèo, miền Nam đang còn phải đấu tranh, toàn dân ta phải tiết kiệm, ngoại giao cũng phải tiết kiệm. Cán bộ ngoại giao ta ra ngoài có hình thức làm sao cho gọn ghẽ, sạch sẽ, nhưng không được lãng phí, xa hoa. Trường hợp làm tiệc mặn, song nếu ta làm được tiệc trà thay vào là tốt nhất. Ta không phải để đua với người được. Người giàu có, còn ta thì nghèo. Chính vì vậy, phải hết sức tiết kiệm. Ngoại giao càng phải tiết kiệm”.
Một lần khác, nhân nói chuyện với cán bộ ngoại giao về nước học tập nghị quyết của Đảng, Bác căn dặn “Nhân dân ta đang gian khổ chiến đấu để chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Vì vậy, mỗi cán bộ, mỗi người dân phải tiết kiệm vì sự nhgiệp cách mạng. Làm công tác ngoại giao, tuy phải có phần hình thức cho coi được, song nội dung vẫn là quan trọng hơn. Cái đẹp của hình thức là ở chỗ sạch sẽ, gọn gang, giản dị, chức không phải ở chỗ xa hoa, lãng phí. Cần làm sao không tốn kém mà lịch sự. Các cô, các chú đi công tác nước ngoài càng phải chú ý điều này. Vì hoàn cảnh ở nước ngòai thường dễ làm cho mình sinh ra hoang phí, tham ô, hủ hóa, thậm chí có khi sa ngã, mất cả tư cách người cách mạng. Các cô, các chú phải luôn luôn tự kiểm điểm và giúp cán bộ mình cùng kiểm điểm”.
Điều khiến Bác lo lắng nhiều chính là do đặc thù của ngoại giao, nên cán bộ phải sống và làm việc xa Tổ quốc. Trong khi đất nước còn nghèo, đi ra những nước có điều kiện hơn sẽ rất dễ bị vật chất cám dỗ, lôi kéo. Người căn dặn phải luôn giữ vững lập trường, giữ lối sống giản dị, thực hành tiết kiệm.
Minh họa cho lời dạy này của Bác, đồng chí Lê Trang, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, trong một cuốn sách viết về Bác còn nhớ rõ một trường hợp bị Bác phê bình. Đó là một đồng chí được cử làm Đại sứ tại một nước Đông Âu. Trước khi lên đường, đồng chí đã tổ chức một bữa tiệc khao rất linh đình. Sauk hi xác minh sự việc có thật, Bác rất xót xa và đã phê bình nghiêm khắc đồng chí đó, bởi lúc này nhân dân còn vất vả, đất nước còn nhiều khó khăn mà đồng chí lại lãng phí như vậy là không đúng. Lời dạy của Bác về vấn đề tiết kiệm trong ngành Ngoại giao mãi mãi vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi khi đất nước ta vẫn còn nghèo, thu nhập GDP/đầu người của nước ta mới đạt mức trung bình của thế giới, là nước nông nghiệp, nguy cơ nước ta mắc phải “bẫy thu nhập trung bình” là rất lớn. Xác định được khó khăn của đất nước, các cán bộ ngoại giao chúng ta phải luôn nhớ lời dạy của Bác, trong nghi thức ngoại giao trong nước cũng như ở nước ngoài cần phải trang trọng nhưng tiết kiệm, không khoa trương hình thức, lãng phí vượt quá khả năng của đất nước mình.
Bác căn dặn ngành Ngoại giao phải thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ văn hóa, tri thức cho người làm công tác đối ngoại.
Làm ngoại giao là phải thường xuyên học tập và để làm tốt công tác đối ngoại thì phải hiểu rõ tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa của nước mình, đồng thời cũng phải hiểu được tình hình của nước mình được cử đến. Đặc biệt, cán bộ ngoại giao cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ văn hóa của các dân tộc không chỉ của dân tộc mình mà còn của các dân tộc trên thế giới. Việt Nam chúng ta có câu “Nhập gia tùy tục”, khi vào nước bạn, chúng ta phải tìm hiểu rất kỹ phong tục tập quán của bạn để có những cư xử phù hợp, tránh những điều gì cấm kỵ trong văn hóa của bản…đồng thời việc am hiểu phong tục tập quán, văn hóa của các dân tộc sẽ làm phong phú thêm kiến thức của cán bộ ngoại giao, nâng cao chất lượng của cán bộ ngoại giao của chúng ta.
Những lời dạy ân cần, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là kim chỉ nam đối với ngành Ngoại giao và mỗi cán bộ làm công tác đối ngoại. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Ngoại giao, đội ngũ cán bộ ngoại giao luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập, dân tộc, gắn với chủ nghĩa xã hội, không ngừng phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng nhân cách, phẩm chất, đạo đức, nỗ lực học tập nâng cao trình độ.
Thực hiện lời dạy của Bác, ngành Ngoại giao đã xây dựng và thực hiện Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của ngành, cụ thể là: Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam, với Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong mọi hoàn cảnh phải kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích và danh dự quốc gia. Hoàn toàn nhất trí với quan điểm, đường lối chung và đường lối đối ngoại của Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, kiên quyết bảo vệ và góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thứ hai, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng; phân biệt rõ ta, bạn, thù. Tuyệt đối giữ gìn bí mật Nhà nước, chấp hành đúng nội quy bảo vệ cơ quan. Không khuất phục trước mọi thủ đoạn của địch, không để tiền tài, sắc hoặc bất cứ sự quyến rũ vật chất nào khác lung lạc. Thứ ba, nêu cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Chấp hành nghiêm chỉnh sự phân công và điều động của các Cơ quan, các quy định về quan hệ công tác, tiếp xúc, phát ngôn, các chế độ thỉnh thị, báo cáo. Chủ động phản ánh trung thực với mọi sơ hở, thiếu sót hoặc chỗ yếu trong công tác cũng như trong quan hệ xã hội. Nếu thấy người quen biết với mình là phần tử xấu hoặc có nghi vấn chính trị phải báo cáo ngay với tổ chức. Thứ tư, thường xuyên bảo vệ và tăng cường đoàn kết nội bộ. Nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thực hiện tốt quy chế làm chủ tập thể. Cán bộ phụ trách phải gương mẫu, quan tâm việc bồi dưỡng, đào tạo và thực hiện đúng mọi chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, nhân viên. Thứ năm, nêu cao tinh thần cầu tiến bộ. Thứ sáu, trong công tác phải chủ động, khẩn trương, không ngại khó nhưng đồng thời phải thận trọng, chính xác, không nóng nảy, kiêu ngạo, ba hoa. Thứ bảy, thực hiện đúng đắn lễ tiết ngoại giao, tôn trọng phong tục tập quán và luật pháp nước sở tại, kiên quyết và khôn khéo bảo vệ quyền lợi và danh dự của cơ quan đại diện và của các bộ, nhân viên ngoại giao. Thứ tám, hết sức tiết kiệm và bảo vệ của công. Giản dị và lành mạnh trong sinh hoạt, không xa hoa, lãng phí, tham ô. Thứ chín, không được lợi dụng đặc quyền ngoại giao và hoàn cảnh công tác để tự mình hoặc giúp người khác buôn bán kiếm lời, để đối chác mưu lợi ích riêng hoặc làm những việc không chính đáng khác. Thứ mười, không được uống rượu say, đánh bạc, quan hệ nam nữ bất chính. Không lui tới nơi sinh hoạt không lành mạnh. Không được phép yêu và kết hôn với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài, với những người mà bản thân hoặc gia đình có lịch sử không tốt hoặc có nghi vấn về chính trị.
Quán triệt tinh thần đó, các cán bộ Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương đã và đang nỗ lực phấn đấu thực hiện những lời dạy của Bác thông qua các hành động cụ thể: Một là, tự giác, tích cực nghiên cứu, quán triệt các nội dung cơ bản của tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và thực hiện kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của bản thân cán bộ, đảng viên trong chi bộ. Hai là, yêu nước, kiên định thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; chống suy thoái, dao động về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng; chống nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ba là, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo chính đáng của dân; chống biểu hiện vô cảm, quan lieu, mệnh lệnh, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân; thương yêu, đoàn kết, hợp tác với đồng chí, đồng nghiệp, hợp tác quốc tế; chống chia rẽ, bè phái, cục bộ, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Bốn là, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; khiêm tốn, dũng cảm, trung thực; chống phô trương hình thức; chống tham nhũng, lãng phí, dối trá, hối lộ, bê tha, trụy lạc, nói không đi đôi với làm, chạy theo danh vọng, địa vị, lợi ích cá nhân thuần túy, làm dụng quyền lực. Năm là, nêu cao trách nhiệm tự giác đi đầu, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ quản lý, cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sáu là, nghiêm túc thực hiện “Quy định Chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên Bộ Ngoại giao”; “Mười điều quy định đối với cán bộ, nhân viên làm công tác Ngoại giao”; “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Ngoại giao và thành viên Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài”. Bảy là, động viên cha, mẹ, vợ, chồng và giáo dục con giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không vi phạm pháp luật và lợi dụng quyền hạn của mình để trục lợi.
Trong thời đại hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, toàn diện, trước những cơ hội to lớn cũng như những thách thức đối với sự phát triển của đất nước, những lời dạy bảo, căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Ngoại giao vẫn giữ nguyên ý nghĩa quan trọng và hơi thở thời đại như ngày nào. Mỗi cán bộ Ngoại giao cần phải nghiêm túc suy ngẫm về những lời dạy của Bác và biến nó thành hành động cụ thể, để có thể đóng góp một cách ý nghĩa và thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là đội ngũ tiên phong trong triển khai chủ trương đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương - Bộ Ngoại giao